Chất độc xyanua là gì? Người bị nhiễm độc xyanua thường có dấu hiệu ra sao?

Với số ca nhiễm độc xyanua hằng năm cao và số ca đầu độc giết người bằng xyanua ngày một nhiều, người dân cần nắm rõ được dấu hiệu nhiễm độc xyanua để có biện pháp phòng tránh và bảo vệ bản thân.

Thời gian gần đây, những vụ đầu độc bằng xyanua ngày càng trở nên dày đặc khiến người dân càng cảm thấy lo sợ về tính chất nguy hại của chất độc này. Điển hình nhất phải kể tới vụ người phụ nữ nữ 38 tuổi ở Đồng Nai hạ độc 5 người thân trong gia đình bằng xyanua. Mới đây là vụ 6 người Việt tử vong tại Thái Lan, nghi bị sát hại bằng xyanua.

Xyanua là chất độc như thế nào?

Muối xyanua thường được sử dụng rộng rãi trong sản xuất công nghiệp, tuy nhiên cũng là một hóa chất cần cấp phép trên thị trường.

Xyanua hay Cyanide là hợp chất hóa học được cấu thành từ nhóm cyano gồm 1 nguyên tử carbon liên kết với 3 nguyên tử nitơ. Nó là muối của Axit Cyanhydric. Trên thị trường, xyanua thường tồn tại ở dạng khí không màu và dạng muối không mùi, có vị đắng nhẹ. Chính vì vậy, rất khó để phân biệt xyanua với các hóa chất khác.

Axit Cyanhydric và các muối xyanua đều được xếp vào hàng chất độc cực mạnh. Chỉ cần 50 - 200mg muối xyanua hay 0,2% khí xyanua cũng có thể khiến một người trưởng thành tử vong.

Được xếp vào hàng hóa chất cực độc, nhưng xyanua lại đóng vai trò lớn trong nhiều ngành sản xuất công nghiệp như: mạ kim loại; khai thác vàng; sản xuất sơn, bột màu, dệt nhuộm; sản xuất thuốc trừ sâu; y dược…

Trong môi trường tự nhiên, xyanua tồn tại dưới dạng glycoside cyanogen trong thực vật như hạt hạnh nhân, sắn, đậu lima, hạt mơ, hạt đào, hạt táo… Khi ăn những thực phẩm này, xyanua có thể được tạo ra ngay trong đường tiêu hóa. Tuy nhiên, hàm lượng glycoside cyanogen có trong thực phẩm thường rất nhỏ nên sẽ không gây ngộ độc nghiêm trọng, miễn là ăn với lượng hợp lý và vừa phải.

Dấu hiệu nhận biết bị nhiễm độc xyanua

Người dân cần nhận diện được dấu hiệu nhiễm độc xyanua để đề phòng.

Vì xyanua vẫn được sử dụng rộng rãi trong sản xuất công nghiệp nên hằng năm vẫn có nhiều vụ ngộ độc xyanua do vô tình hoặc cố ý hãm hại nhau. Chỉ đơn giản như việc giải phóng khí xyanua vào không khí, con người cũng có thể bị nhiễm độc qua da, mắt hay hít phải. Nếu hòa muối xyanua vào nước, con người cũng có thể bị nhiễm độc khi chạm vào hoặc chẳng may uống phải.

Các dấu hiệu bị nhiễm độc xyanua được chia ra làm 3 giai đoạn. Mới đầu chỉ là lo lắng, kích động, thở nhanh và thấy lú lẫn đầu óc. Tới giai đoạn sau, nạn nhân sẽ bắt đầu cảm thấy buồn nôn, tụt huyết áp và khó thở. Cuối cùng là trụy tim mạch, hạ oxy máu, mất phản xạ và tử vong. Nếu có sống sót thì những người bị nhiễm độc nhiều xyanua cũng vẫn bị tổn thương tim, não và hệ thần kinh.

Vì xyanua là chất độc có phản ứng nhanh nên người bị nhiễm cần được cấp cứu và điều trị ngay trong vòng 2 giờ đồng hồ, nếu không sẽ gây tử vong. Với những trường hợp bị dính chất độc xyanua ngoài da, hãy cởi hết tất cả quần áo và phụ kiện trên người rồi đi tắm gội ngay lập tức. Trong quá trình cởi tránh để chất độc dính vào mắt, mũi và miệng. Sau khi tắm sạch và lau khô cơ thể, hãy tới ngay bệnh viện hoặc trạm y tế gần nhất để kiểm tra sức khỏe.

Bạn đang xem bài viết Chất độc xyanua là gì? Người bị nhiễm độc xyanua thường có dấu hiệu ra sao? tại mục Sức Khỏe do Tin tức Việt Nam biên tập và tổng hợp mỗi ngày.