Chiềng La có 701 hộ, thuộc 5 dân tộc Thái, La Ha, Khơ Mú, Kinh, sinh sống ở 6 bản. Cuối năm 2023, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Lò Văn Hỏa, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Thời gian qua, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân; xây dựng mô hình kinh tế điểm để nhân rộng. Các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tham gia phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
Đến nay, xã có 180 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng, như: Trồng cây cà phê ở bản Lả Lốm, bản Song; trồng lúa theo hướng hữu cơ tại bản Nưa, Chiềng La, Chiềng Cang, Lả Lốm; trồng nấm, nuôi gia cầm ở bản Chiềng La, Chiềng Cang. Hằng năm, nhân dân đã gieo trồng hơn 250 ha cây lương thực có hạt; chăm sóc 252 cây ăn quả, cây công nghiệp; duy trì chăn nuôi trên 19.000 con gia súc, gia cầm; khai thác 13 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt 40 tấn cá các loại/năm.
Với lợi thế về diện tích ao hồ, nghề nuôi cá đã được người dân Chiềng La duy trì nhiều năm nay. Năm 2018, HTX nông nghiệp Chiềng La được thành lập gồm 11 thành viên, quy mô trên 2,5 ha nuôi cá theo quy trình VietGAP, chủ yếu là cá trắm cỏ. Từ năm 2019 đến nay, ngoài kinh doanh cá thương phẩm, HTX đã sản xuất, chế biến thành công sản phẩm “Cá trắm hun khói Chiềng La” và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Anh Quàng Văn Xoàn, Giám đốc HTX, cho biết: Cung cấp sản phẩm “Cá trắm hun khói Chiềng La” đạt chất lượng tốt cho người tiêu dùng, HTX luôn chú trọng kiểm soát nghiêm ngặt khâu chọn giống và thức ăn cho đàn cá. Hướng dẫn các thành viên cách quản lý chất lượng nước, phòng trừ dịch bệnh; thức ăn cho cá hoàn toàn tự nhiên, như lá chuối, cỏ voi, bột ngô.
Đến thăm mô hình trồng nấm của anh Tòng Văn Xuấn, bản Chiềng Cang. Anh Xuấn cho biết: Nhận thấy nấm là sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, năm 2018, gia đình tôi đầu tư trồng 3.000 bịch nấm sò; đến nay phát triển lên 5.000 bịch, sản lượng đạt hơn 3 tấn/năm, giá bán trung bình 35 nghìn đồng/kg. Hiện nay, toàn bộ nấm thương phẩm của gia đình được thương lái đến tận nơi thu mua. Trồng nấm chi phí sản xuất thấp, không tốn công chăm sóc, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, gia đình còn nuôi 10 con lợn thịt, 2 con bò; chăm sóc 3.000 cây cà phê.
Đầu năm 2024, xã Chiềng La đã triển khai thí điểm mô hình nuôi vịt cổ xanh và thành lập nhóm “Hỗ trợ kết nối và tiêu thụ sản phẩm nông sản Chiềng La”. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện chuyển giao khoa học kỹ thuật; giám sát quá trình nuôi; quảng bá giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội như zalo, facebook. Theo đánh giá của UBND xã, mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên, chất lượng sản phẩm thơm ngon, được khách hàng đón nhận. Theo tính toán, khi nuôi 100 con vịt cổ xanh, sau khi trừ chi phí thu lãi 3 triệu đồng.
Việc phát triển đa dạng các mô hình kinh tế ở Chiềng La đã góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Chính quyền xã đang tiếp tục huy động các nguồn vốn hỗ trợ nhân dân mở rộng quy mô sản xuất; duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả, tăng cường phối hợp chuyển giao khoa học, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân.