Chỉnh trang, phát triển đô thị: Xây dựng Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại

Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025” (Chương trình) được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng Hà Nội ngày càng xanh, khang trang, hiện đại.

 Một góc đô thị Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Công Hùng  

Nỗ lực từ nhiều phía

Theo Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, trong 19 chỉ tiêu của Chương trình, Sở được giao chủ trì thực hiện 1 chỉ tiêu, phối hợp tổ chức thực hiện 8 chỉ tiêu. Đến nay, các chỉ tiêu đều được Sở QH - KT tích cực phối hợp triển khai, đạt kết quả tích cực. Đáng chú ý, Sở đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thực hiện những chỉ tiêu của Chương trình, đặc biệt với chỉ tiêu về hoàn thành đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954…

Tại quận Cầu Giấy, Phó Chủ tịch UBND quận Trần Việt Hà cho biết, quận đang tổ chức lập 2 đồ án theo chỉ đạo của UBND TP gồm: Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị H2 – 1, tỷ lệ 1/2000 tại các ô quy hoạch ký hiệu E2/HH2, E2/NO11, E2/CC2 thuộc phường Mai Dịch; Đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Phần còn lại Khu đô thị mới Cầu Giấy, tỷ lệ 1/500 tại ô quy hoạch ký hiệu D30 Khu đô thị mới Cầu Giấy… Những năm gần đây, quận vẫn tích cực triển khai thực hiện cải tạo bộ mặt đô thị, ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Tương tự, tại quận Hà Đông, Chủ tịch UBND quận Cấn Thị Việt Hà cho biết, thực hiện Chương trình, UBND quận ban hành kế hoạch triển khai trong toàn quận. Các phòng, ban, đơn vị liên quan, UBND các phường trên địa bàn đã nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình; nghiêm túc phổ biến, quán triệt về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, về chỉ tiêu xây dựng lại chung cư cũ, trên địa bàn quận Hà Đông có 10 khu chung (tương ứng 35 nhà chung cư) và 19 chung cư cũ độc lập.

Trong đó, có 1 khu chung cư tập thể 3 tầng phường Nguyễn Trãi đã được Sở QH - KT phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng. Số chung cư cũ được Sở Xây dựng kiểm định, phê duyệt nhiệm vụ kiểm điểm là 16 nhà chung cư. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận đang thực hiện các bước liên quan đến khảo sát, lựa chọn đơn vị tư vấn kiểm định theo quy định.

Về chỉ tiêu trồng mới cây xanh, quận Hà Đông đã trồng được hơn 300 cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ, hơn 1.000 cây ăn quả các loại và đang tiếp tục trồng cây bóng mát, thảm cỏ thuộc 7 dự án đầu tư xây dựng các khu cây xanh, thể dục, thể thao tại các khu đất dịch vụ, đấu giá trên địa bàn quận trong năm 2022. Ngoài ra, UBND quận Hà Đông đã phê duyệt và thi công 7 dự án đầu tư xây dựng các khu cây xanh, thể dục, thể thao tại các khu đất dịch vụ, đấu giá trên địa bàn các phường Hà Cầu, Dương Nội, Kiến Hưng, Vạn Phúc… với tổng mức đầu tư 31,73 tỷ đồng, diện tích khoảng 23.776,8m2.

 Vỉa hè tại phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) thông thoáng, sạch, đẹp. Ảnh: Công Thọ

Tạo không khí thi đua trong thực hiện

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong - Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình, trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thực hiện 19 chỉ tiêu của Chương trình, đặc biệt về hoàn thành dự án đầu tư xây dựng huyện thành quận; cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; chỉnh trang nhà biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954; cải tạo, nâng cấp và xây mới công viên, vườn hoa trên địa bàn; cải tạo chỉnh trang hè, đường phố, thoát nước đô thị…

Trong thực hiện chỉ tiêu “Chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954”, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở QH - KT tổ chức kiểm tra, lựa chọn được 30 biệt thự cũ do TP quản lý, 50 biệt thự cũ do T.Ư quản lý, 12 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn; chỉ đạo xây dựng các kế hoạch chỉnh trang nhà biệt thự trên địa bàn TP… Đồng thời, ban hành một số cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng làm cơ sở để triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn – Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình nhấn mạnh, cần duy trì, siết chặt kỷ cương nền nếp trong các hoạt động triển khai thực hiện. Phải xác định rõ nhiệm vụ quan trọng nhất của thành viên Ban Chỉ đạo, Bí thư các quận, huyện, thị xã là không chỉ tạo được đồng thuận, còn cần có thống nhất, quyết tâm rất cao, định lượng cụ thể trong thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình.

"Kết quả đạt được phải mang tính lan tỏa, góp gió thành bão. Vì nếu sở, ngành quyết tâm nhưng quận, huyện, xã, phường… không vào cuộc, cũng không thể đạt kết quả cao" - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình chỉ rõ, đồng thời đề nghị Sở Xây dựng cần phối hợp các sở, ngành, quận, huyện xây dựng cho được bộ dữ liệu chuẩn, bảng kế hoạch và tiến độ cụ thể để các đơn vị thực hiện.

Cùng với đó, các quận, huyện cần tạo được không khí thi đua trong thực hiện Chương trình, nhất là với những lĩnh vực gắn liền mật thiết với đời sống, được người dân rất quan tâm như cây xanh, công viên, chợ, bãi đỗ xe, vườn hoa… Việc rà soát xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai Chương trình phải hoàn thành trong năm 2022... Từ đó, từng bước hoàn thành các mục tiêu mà Chương trình đã đề ra.

Trong những tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo Chương trình 03 xác định tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; công tác phổ biến, tuyên truyền; tập trung thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu; xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp quy thuộc thẩm quyền ban hành của TP và các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án; triển khai thực hiện các công trình, dự án ưu tiên đầu tư của Chương trình…

Bạn đang xem bài viết Chỉnh trang, phát triển đô thị: Xây dựng Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại tại mục Thời sự do Tin tức Việt Nam biên tập và tổng hợp mỗi ngày.

TIN LIÊN QUAN