Chuyển đổi số, cùng với chuyển đổi xanh đang là hai xu hướng phát triển tất yếu của xã hội loài người. Đây là một quá trình khách quan, tác động đến mọi ngành, mọi lĩnh vực, trong đó có ngành xây dựng. Dù muốn hay không thì mọi tổ chức trong ngành, dù là các doanh nghiệp tư vấn thiết kế, thi công xây lắp, tư vấn giám sát hay các cơ quan quản lý nhà nước về đô thị và xây dựng cũng sẽ phải chuyển đổi. Sự chủ động chuyển đổi để thích nghi với môi trường hoạt động mới sẽ mở ra nhiều cơ hội mới để phát triển. Ngược lại, việc trì hoãn chuyển đổi số sẽ dẫn đến rất nhiều thách thức, thậm chí nguy cơ bị mất khả năng cạnh tranh và phá sản.
Nghị quyết 29 của Ban chấp hành trung ương khóa 13 đã khẳng định chuyển đổi số là một phương thức mới, hiệu quả để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc hiện đại hóa ngành xây dựng không phải là ngoại lệ. Tuy vậy, chuyển đổi số là vấn đề mới, còn nhiều câu hỏi cần làm rõ. Chuyển đổi số ngành xây dựng gồm những việc gì? Ngành xây dựng đã tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin từ lâu, 100% các bản vẽ kỹ thuật đã được làm trên máy tính, phần mềm tính kết cấu, dự toán xây dựng đã trở thành công cụ không thể thiếu trong các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Vậy chuyển đổi số có gì mới? BIM có phải là chuyển đổi số hay không? Đô thị thông minh đã được nói đến từ lâu, vậy cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số thay đổi khái niệm đô thị thông minh thế nào ?
Nhằm góp tiếng nói cho quá trình Chuyển đổi số ngành Xây dựng nói riêng cũng như công cuộc Chuyển đổi số quốc gia nói chung, Tổng hội Xây dựng Việt nam (XDVN) phối hợp với Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Viện khoa học công nghệ Vinasa (Hội Tin học xây dựng Việt Nam), Viện nghiên cứu và phát triển đô thị thuộc Tổng hội XDVN tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số - Nền tảng xây dựng đô thị thông minh” vào ngày 17/12/2022 tại Hà Nội.
Hội thảo đã nhận được quan tâm và bảo trợ của Bộ Xây dựng và Bộ Thông tin &Truyền thông. Theo thông tin từ ban tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn và Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng sẽ tham dự và đồng chủ trì hội thảo này.
Được biết, hội thảo có sự tham gia của hơn 100 đại biểu là đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) của hai Bộ, đại diện lãnh đạo các Viện nghiên cứu, nhà trường, các Hội khoa học chuyên ngành thuộc Tổng hội, các hội xây dựng địa phương và các chuyên gia về Chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và công nghệ thông tin. Ngoài ra còn có hơn 100 đại biểu tham dự trực tuyến từ các điểm cầu trong cả nước thông qua các nền tảng họp trực tuyến.
Để chuẩn bị cho buổi hội thảo chính thức, Tổng hội XDVN cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm trực tuyến từ tháng 3/2022 để các nhà quản lý, chuyên gia, các doanh nghiệp trao đổi các vấn đề liên quan đến chủ đề hội thảo. Hội thảo đã nhận được gần 30 bài tham luận, báo cáo nghiên cứu về các chủ đề: Tình hình xây dựng triển khai đô thị thông minh ở Việt Nam, lý luận về Chuyển đổi số, phương pháp quy hoạch khi xây dựng đô thị thông minh, giới thiệu về công nghệ mới cũng như các giải pháp ứng dụng về GIS 3D/BIM, các tiêu chuẩn TCVN cũng như Bộ tiêu chí đánh giá đô thị thông minh, các thuận lợi và bất cập của các đơn vị, địa phương khi tiến hành chuyển đổi số …..
Tại hội thảo các đại biểu sẽ được nghe 7 bài tham luận điển hình của các đơn vị, chuyên gia và tham dự cuộc thảo luận mở về các vấn đề liên quan. Toàn bộ các tham luận hội thảo sẽ được chế bản điện tử và đăng tải công khai trực tuyến để mọi người quan tâm có thể tham khảo.
Có thể nói đây là cuộc hội thảo đầu tiên và có tầm quan trọng liên quan đến Chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh do Tổng hội XDVN tổ chức. Thông qua các phát biểu tham luận, các ý kiến trao đổi thảo luận tại hội thảo, Tổng hội XDVN sẽ tổng hợp các ý kiến, đề xuất kiến nghị với các cơ quan QLNN các vấn đề liên quan đến quá trình Chuyển đổi số ngành Xây dựng nói riêng và công cuộc Chuyển đổi số quốc gia nói chung.