Trong vòng một tuần qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận gần 24.000 bệnh nhi đến khám vì mắc các bệnh lý đường hô hấp, trong đó có khoảng 700 trẻ phải nhập viện điều trị.
Bình quân mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận từ 6.000 - 7.000 trẻ đến khám. Bệnh nhi mắc bệnh điều trị tăng ở cả nội trú và ngoại trú. Số lượng bệnh nhi tăng nhưng vẫn trong tình huống được dự báo trước nên các phương án tăng cường khám và điều trị đã được các bệnh viện chuẩn bị.
Ghi nhận thực tế, Phòng Cấp cứu, Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 không còn giường trống. Có 24 trẻ đang được chăm sóc, điều trị tại đây, nhiều bệnh nhi phải nhờ sự hỗ trợ của máy thở. Các phòng bệnh thường tại Khoa Hô hấp 1 cũng "kín" bệnh nhi với 258 trẻ nằm viện, tăng khoảng 100 ca so với trước đó.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, dự báo đến cuối tuần có thể tăng lên 300 trẻ điều trị nội trú, tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi và đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bắt đầu từ tháng 10 trở đi là mùa của bệnh hô hấp. Do đó, phụ huynh cần chú ý các biện pháp phòng bệnh cho trẻ, nhất là trẻ có bệnh nền, bệnh bẩm sinh bởi những trẻ này có hệ miễn dịch kém, dễ bị virus tấn công trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi.
Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố mỗi ngày tiếp nhận từ 300-500 trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các bệnh lý đường hô hấp mà trẻ mắc phải trong thời gian này chủ yếu là nhiễm siêu vi, hen suyễn, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản...
So với cùng kỳ năm trước, số bệnh nhi tăng khoảng 1,5 lần. Dự báo tình hình, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho rằng với thời tiết mưa nhiều như hiện nay, bệnh nhi mắc bệnh hô hấp còn tiếp tục tăng.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong khuyến cáo, các biện pháp phòng ngừa bệnh hô hấp cho trẻ em gồm: Cho trẻ uống nhiều nước, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và hoa quả để tăng sức đề kháng. Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, thông khí tốt, tránh bụi bẩn, khói thuốc. Phụ huynh cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.
Bên cạnh việc phòng bệnh, phụ huynh cần cho trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa sớm khi có các triệu chứng đường hô hấp như ho, sổ mũi, sốt… Đặc biệt khi trẻ có một trong các triệu chứng nặng như sốt cao liên tục khó hạ, co giật, bỏ ăn bỏ bú, khó thở hoặc các triệu chứng đường hô hấp nặng hơn (ho, khò khè…), phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.