Công trình biến tướng chung cư mini, chính quyền Kim Chung - Hoài Đức còn đợi xảy ra ‘hậu quả’ thì mới chịu xử lý?

Nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Kim Chung, Hoài Đức (Hà Nội) khiến cho người dân địa phương không khỏi băn khoăn về trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý trong lĩnh vực xây dựng. Công trình xây dựng bị ‘biến tướng’ thành các chung cư mini cho thuê. Chính quyền biết, người dân biết – nhưng chắc các cán bộ ở đây còn đợi “hậu quả” xảy ra thì mới chịu bắt tay vào xử lý.

Thời gian qua, nhiều vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội đã gây ra hậu quả đau lòng, khiến hàng chục người tử vong. Trách nhiệm của bộ phận quản lý trật tự xây dựng – một thành tố quan trọng trong ngành xây dựng được đặt ra. Trong quá trình giám định, phản biện với Luật Xây dựng, Luật Nhà ở… các đơn vị của Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề cập rất nhiều đến trách nhiệm của các cơ quan này.

Ngày 03/7/2024, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn ký ban hành Công văn số 2154/UBND-ĐT về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Theo đó, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 18/3/2019 của UBND Thành phố…Đối với các công trình đã đưa vào sử dụng: Tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc khai thác sử dụng các công trình theo đúng công năng, thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt, giấy phép xây dựng được cấp. Đối với các công trình cải tạo, sửa chữa, hoặc chuyển đổi công năng, chuyển mục đích sử dụng từ nhà ở sang kinh doanh (đặc biệt là các công trình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ, các cơ sở dịch vụ lưu trú...) thì phải thực hiện thiết kế về xây dựng, thiết kế về phòng cháy chữa cháy, cấp giấy phép xây dựng... theo đúng quy định pháp luật.

Hiện trạng công trình số 8, ngõ 27 đường Bắc Lai Xá

Mặc dù có những văn bản quyết liệt của Thành phố, công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng tại nhiều quận, huyện Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay việc xây dựng tại các địa phương vẫn còn nhiều tồn tại.

Chẳng hạn như công trình xây dựng tại số 8, ngõ 27 đường Bắc Lai Xá, xã Kim Chung có dấu hiệu dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng và vi phương án về phòng cháy chữa cháy. Theo phản ánh của người dân, quan sát từ hiện trạng mặt bên công trình được xây dựng thành 7 tầng, trổ các cửa sổ sang nhà liền kề không đúng tiêu chuẩn xây dựng xây dựng. Đặc biệt theo người dân việc mặt sàn các tầng được xây dựng chia thành các phòng nhỏ cho thuê có dấu hiệu vi phạm về phòng cháy chữa cháy?

Trước đó, một số cơ quan báo chí cũng thông tin về tòa nhà cao 12 tầng tại địa chỉ số 240 đường Lai Xá, xã Kim Chung vi phạm trật tự xây dựng. Theo đó, chủ đầu tư thông báo với UBND xã xây dựng cao 6 tầng, 1 tum. Sau khi hoàn thành xây dựng cơ bản, chủ đầu tư mời UBND xã đến kiểm tra. Khi đoàn kiểm tra rời đi, chủ đầu tư đã chia mỗi tầng thành 2. Cụ thể, chủ đầu tư đã đổ bê tông sàn bên trong các tầng từ tầng 2 đến tầng 6, mỗi tầng ngăn thành 2 tầng. Hiện trạng công trình 12 tầng, 1 tầng tum đã đưa vào sử dụng.

Trao đổi với phóng viên, bà Đặng Thị Phượng, tổ trưởng tổ xây dựng UBND xã Kim Chung cho biết: Công trình trên được khởi công xây dựng từ năm 2023, tại thời điểm đấy trên địa bàn huyện, thành phố nói chung chưa áp dụng được việc cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn trong khu dân cư, trường hợp này rơi vào trưởng hợp được miễn phép xây dựng. Thờì điểm khởi công chủ đầu tư có thông báo UBND xã quy mô công trình 6 tầng, 1 lửng, 1 tum. Theo bà Phượng thời điểm kiểm tra hiện trạng công trình vẫn đảm bảo theo quy định.

Liên quan đến công trình trên, ông Phạm Ngọc Lê - Chủ tịch UBND xã Kim Chung cho biết khi mới xây dựng do sai phạm tầng lửng, UBND xã đã cắt điện yêu cầu xử lý, sau đó họ đã khắc phục. Về phòng cháy theo quy định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ, công trình 5 tầng trở lên, PCCC thuộc trách nhiệm công an cấp huyện, không phải của xã. Công trình này nằm trong Tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, hiện nay vẫn chưa có kết quả rà soát gửi về Xã.

Luật sư Đình Tiệp - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Theo Điều 174 Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định. Đồng thời, không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.

Tại Khoản 5 Điều 56 Nghị định số 15/2021/NĐ - CP ngày 03/3/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì "Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã" trong quản lý trật tự xây dựng được xác định rất rõ là: Chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp, uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh; tổ chức thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm trên địa bàn; thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Liệu các công trình trên có chấp hành đúng pháp luật về quy hoạch, xây dựng? trách nhiệm của chính quyền địa phương ra sao? Câu trả lời cần UBND Hà Nội, UBND quận Hoài Đức vào cuộc, làm rõ!