Mối nguy hại “bị lãng quên”
Theo báo cáo từ Liên minh Điện tử viễn thông quốc tế (ITU) và Viện nghiên cứu LHQ về nghiên cứu và đào tạo (UNITAR), khối lượng rác điện tử thải ra năm 2022 là 65 triệu tấn, mức cao kỷ lục và tăng tới 82% so với năm 2010. Dù lượng rác điện tử thải ra vẫn không ngừng tăng nhưng chưa đến 25% trong tổng khối lượng rác điện tử năm 2022 được thu thập và tái chế.
Điều này đồng nghĩa rằng có những nguồn rác có thể tái chế với tổng giá trị lên tới 62 tỷ USD đang bị "bỏ quên" trong khi nguy cơ ô nhiễm với các cộng đồng trên toàn cầu từ những nguồn này gia tăng.
Báo cáo cũng dự báo lượng rác điện tử thải ra trên toàn thế giới sẽ tăng thêm 33% vào năm 2030, lên 82 triệu tấn mỗi năm. Đây là xu hướng đáng báo động, nêu bật nhu cầu hành động khẩn cấp giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải điện tử ngày càng chồng chất.
Giám đốc điều hành UNITAR cho rằng bên cạnh việc kỳ vọng các tấm pin năng lượng Mặt Trời thì ta cũng cần lưu ý đến rác thải từ các thiết bị điện tử. Trong đó rác thải điện tử là những sản phẩm điện tử bị vứt bỏ nhưng vẫn có pin hoặc phích cắm, có thể gây ra những nguy cơ đáng kể cho sức khỏe và môi trường vì có những thành phần độc hại.
Mạnh tay tái chế rác thải nhựa
Hiện nay chưa có số liệu thống kê chính thức về tổng lượng rác thải điện tử phát sinh tại Việt Nam. Số liệu thống kê của GESP cho thấy, riêng năm 2019, Việt Nam có 514.000 tấn sản phẩm điện tử được đưa ra thị trường, phát sinh 257.000 tấn rác thải điện tử , với mức bình quân 2,7 kg/người.
Ngoài rác thải điện tử truyền thống, các tấm quang điện mặt trời (PV), pin xe điện (EV) thải đang là thách thức lớn khi mà điện năng lượng mặt trời và các phương tiện giao thông chạy điện được khuyến khích sử dụng.
Cùng với đó, thống kê từ Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng chỉ ra, hiện mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng và ước tính đến năm 2025, riêng rác thải tivi có thể lên tới 250.000 tấn.
Rác thải điện tử không chỉ gây hại cho môi trường mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người. Trước hết trong rác thải điện tử có nhiều kim loại nặng độc hại từ linh kiện và vỏ của các thiết bị điện tử. Do đó nếu không xử lý đúng cách rác thải điện tử có thể ảnh hưởng đến con người thông qua đất, nước, không khí và người lao động tiếp xúc trực tiếp với rác thải.
Đặc biệt thủy ngân trong rác thải điện tử rất dễ xâm nhập vào cơ thể con người qua đường ăn uống hoặc hít thở và nó sẽ gây hại đến não, thận, hệ thống sinh sản… PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cho hay: “Thủy ngân cũng như các kim loại khác, khi vào cơ thể, khả năng đào thải rất thấp. Khi nhiễm độc thủy ngân, chúng ta không có hy vọng chúng thải ra nhanh chóng, đa phần tích lũy trong tủy xương rất lâu”.
Tại Việt Nam, trước đây rác thải điện tử hầu hết đều qua các nguồn thu gom không chính thức, đó là những người thu mua đồng nát, cơ sở thu gom tự phát và được tập kết về các làng nghề để tái chế. Các cơ sở tái chế này đều nhỏ lẻ theo mô hình hộ gia đình, hầu hết đều ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh, không có các thiết bị hiện đại, ảnh hưởng sức khỏe công nhân và môi trường.
Trả lời báo chí, bà Lê Thị Ngọc Dung - Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam nhận định, tỷ lệ xử lý chất thải điện tử của nước ta đang ở mức thấp. Mới chỉ có khoảng 68 công ty được cấp phép với quy mô nhỏ với công suất từ 0,25 - 30 tấn/ngày hoạt động. Bên cạnh đó ta mới chỉ tái chế một phần các vật liệu thông thường và chưa thể tái chế được các kim loại quý vốn có hàm lượng cao trong chất thải điện tử.
Chính vì vậy bà đề xuất Việt Nam cần có nhà máy tái chế chất thải điện tử công nghệ hiện đại, quy mô lớn, có thể thu hồi kim loại quý để giải quyết lượng rác thải phát sinh trong nước.