Vỉa hè xuống cấp, mặt đá vỡ nát
Thời gian gần đây, trên phương tiện thông tin đại chúng có nhiều thông tin phản ánh về việc nhiều tuyến vỉa hè trên địa bàn TP.Hà Nội được lát đá tự nhiên, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã bị xuống cấp, hư hỏng. Hiện tượng này có thể thấy trên nhiều tuyến phố Hà Nội như Giảng Võ (Đống Đa), Nguyễn Chí Thanh (Ba Đình), Nguyễn Hữu Thọ (Hoàng Mai)... đang được xới tung để lát đá. Thời gian qua, việc chỉnh trang vỉa hè thường được Hà Nội làm rầm rộ vào dịp cuối năm.
Cụ thể, tại tuyến đường Liễu Giai (Ba Đình), dù mới được thay mới đá lát vỉa hè trong gần 2 năm qua nhưng nhiều đoạn đá lát bị nứt vỡ, gập ghềnh, bong tróc.
Hay tại tuyến đường Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến... nhiều vỉa hè lát đá cũng bị nứt vỡ, xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn bị sụt lún sâu so với mặt vỉa hè.
Đặc biệt, trên tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), cả một tuyến vỉa hè dài được lát đá "có độ bền 70 năm" gần như bị vỡ nát, nứt toác. Theo ghi nhận, hai bên vỉa hè đường Nguyễn Trãi hiện đã được xếp rất nhiều "đá tự nhiên" để chuẩn bị thay mới các đoạn nứt vỡ, dù tuyến phố này mới được đầu tư lát đồng bộ đá tự nhiên tuổi thọ 70 năm từ khoảng quý III/2017.
Trước đó, vào cuối năm 2012, TP thực hiện đề án “Cải tạo, chỉnh trang hè phố Hà Nội đến năm 2020”; năm 2016 ban hành những quy định mới về cải tạo hè phố. Đến cuối tháng 3/2021, UBND TP.Hà Nội lại tiếp tục ban hành Quyết định 1303/QĐ-UBND quy định về việc “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn”.
Căn cứ theo các quyết định, đề án được phê duyệt, UBND TP đã chấp thuận với đề xuất cải tạo, làm mới hè phố sử dụng vật liệu là đá tự nhiên thay thế gạch xi măng truyền thống. Đến thời điểm này, những tuyến vỉa hè thiết kế, lắp đặt loại vật liệu mới đã được đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng vào việc tạo ra diện mạo mới trong quá trình chỉnh trang đô thị và tính thẩm mỹ trong việc bảo tồn công trình văn hóa, công trình có kiến trúc riêng biệt của Thủ đô.
Tuy nhiên, rất nhiều tuyến vỉa hè chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã xuất hiện tình trạng xuống cấp, mặt đá bị vỡ nát... Được biết, những tuyến vỉa hè trên đều được lát bằng loại đá tự nhiên "có độ bền 70 năm" nằm trong chủ trương cải tạo 900 tuyến phố của UBND TP.Hà Nội. Điều đáng nói, hiện nay hàng loạt tuyến phố trước đó được lát bằng loại đá này trong thời gian ngắn sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc sử dụng loại đá này để "thay áo" cho vỉa hè thủ đô vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo chuyên gia Trần Huy Ánh, có nhiều ý kiến đề cập đến các nguyên nhân như trong quá trình thi công (việc rải nền, trộn tỷ lệ xi măng, cát…) không đảm bảo chất lượng vì điểm yếu của đá tự nhiên là có vết rạn sẵn, nếu đầm nền không tốt sẽ dẫn đến lún, sụt, chỉ một thời gian ngắn đá có thể bị vỡ.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp nhanh của những công trình vỉa hè như có dự án, hồ sơ thiết kế chưa quy định được rõ cường độ vật liệu đá lát hè, thiếu thiết kế... Ngoài ra, việc quản lý chất lượng và hiện trạng chất lượng thi công thực tế tại các dự án vẫn còn những bất cập. Công tác kiểm tra, giám sát vật liệu đá đầu vào tại một số dự án chưa đạt yêu cầu; công tác giám sát của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát chưa kịp thời…
Bên cạnh đó, việc thi công chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nhất là chất lượng lớp bê tông nền; công tác nghiệm thu chất lượng lát đá vỉa hè chưa cao; công tác quản lý sử dụng sau đầu tư chưa đảm bảo (tình trạng phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) đỗ trên hè phố, đi trên hè phố...); công tác bảo trì, bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức.
Đá bị bị giãn nở, tự vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý?
Sáng 8/12, bên lề kỳ họp thứ 10, HĐND TP khóa XVI, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong đã thông tin với báo chí về công tác lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên nhưng nhanh chóng xuống cấp đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo ông Phong, đá lát vỉa hè trước giai đoạn này được khai thác bằng phương pháp nổ mìn, cho nên đá bị om. Ngoài ra, đá marble thường có gân đá, không được đồng chất nên khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý.
Trước tình trạng đó, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tăng cường quản lý các dự án lát đá vỉa hè.
Theo đó, UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện Văn bản số 1385 ngày 8/4/2019 của UBND TP về việc chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận và văn bản đề nghị của Sở Xây dựng số 8258 ngày 10/11/2022.
Cùng với đó, TP yêu cầu các đơn vị khẩn trương kiểm tra đánh giá, thực hiện các giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng hỏng hóc, xuống cấp của vỉa hè, đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện khi tham gia giao thông và mỹ quan đô thị.
UBND TP.Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng Hà Nội căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và chỉ đạo của UBND TP tại văn bản số 1385 để phối hợp với các sở, ngành thành phố và đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã trong việc sử dụng vật liệu lát hè, vỉa hè, kết cấu hè và thẩm định, quy trình kỹ thuật trong thi công xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng công trình theo phân cấp, đảm bảo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Ngoài ra, để khắc phục tình trạng đá lát hè phố bị bong bật, lún nứt, vỡ như đã nêu trên, UBND TP.Hà Nội đã giao nhiệm vụ Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát, đánh giá kỹ các nguyên nhân xảy ra tình trạng đá lát vỉa hè bong bật, lún nứt, vỡ... đã xảy ra trên các tuyến phố. Từ đó sẽ đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực hiệu quả, thậm chí xem xét lại phương án lát đá hè phố bằng đá tự nhiên (tuyến đá phố nào, thiết kế ra sao, chất lượng đá lát như thế nào...). Vấn đề này sẽ được báo cáo UBND TP trong tháng 1/2023 để xem xét, chỉ đạo.
Trao đổi với báo chí, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, từ năm 2016, thành phố triển khai dự án lát đá vỉa hè nhiều tuyến phố để đảm bảo mỹ quan, xanh, sạch đẹp. Tuy nhiên, nhiều nơi vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp. Theo ông Nghiêm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết là về vật liệu.
“Thành phố đã uỷ quyền cho các quận, huyện làm chủ đầu tư, và ở đây xảy ra việc thiếu giám sát về nguyên vật liệu. Dù là đá tự nhiên, nhưng qua khai thác bằng nổ mìn, cưa xẻ bị chấn động, om, nứt. Kích thước vật liệu đá lát ở vỉa hè có khi cũng không phù hợp, khi có những phương tiện cơ giới đi lên mà chỉ dày khoảng 4cm. Nhiều nhà khoa học kết luận, với nguyên liệu như vậy, không đủ bền vững với tải trọng vỉa hè phải chịu”, ông Nghiêm nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng cho rằng, khi chưa có đánh giá, nghiên cứu, phân loại tuyến phố phù hợp mà “ồ ạt” triển khai ở hàng trăm tuyến đường phố là “vì thành tích đơn thuần”, cần phải nhìn nhận lại chủ trương trên.
“Nếu cứ làm mà vài năm lại vỡ nát, chỉnh sửa thì rất tốn kém, lãng phí. Thậm chí, có nhiều tuyến lát đá, cải tạo vỉa hè mà chưa hạ ngầm. Rồi lúc thì đơn vị điện lực, đơn vị thông tin, thoát nước đào lên, lấp xuống thì lại càng lãng phí và tốn kém”, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhận định.