"Câu trả lời thiếu trách nhiệm"
Trước thông tin lý giải của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong về việc đá vỉa hè ở Hà Nội bị hỏng là do một phần "mưa xuống bị giãn nở, tự vỡ," nhiều ý kiến chuyên gia đã bày tỏ sự bất ngờ và cho rằng đó là cách lý giải không thuyết phục.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng: “Thông tin đá vỉa hè khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự vỡ là câu trả lời thiếu trách nhiệm. Điều này làm cho cộng đồng xã hội rất ái ngại về khả năng chuyên môn của người đứng đầu ngành xây dựng Thủ đô.”
Theo ông Ánh, tất cả các tính chất cơ lý nêu trên đều phải được xác định ngay từ trong phòng thí nghiệm cho đến các tiêu chuẩn trong xây dựng.
Ví dụ gạch chịu lửa sẽ phải chịu được hàng nghìn độ. Xi măng chịu nước phải chịu được cả nước bình thường lẫn nước mặn. Đá lát đường thì phải chịu được tất cả các điều kiện về ăn mòn axít, độ hập thụ tự nhiên về nhiệt, về nước. Chưa kể, đá vỉa hè Hà Nội là “đá tự nhiên có độ bền 70 năm" nên mới làm, mưa xuống đã tự nứt vỡ là vô lý.
"Loại đá mà mưa xuống bị vỡ thì không hiểu tại sao lại lựa chọn để lát vỉa hè?" ông Ánh đặt câu hỏi và cho rằng: "Nếu đá vỉa hè ở Hà Nội hỏng do mưa là sự thật thì cần phải xem xét trách nhiệm của ngành xây dựng cũng như các cơ quan hữu quan liên quan đến việc thẩm định lựa chọn vật liệu lát vỉa hè ở Hà Nội trong thời gian vừa qua."
Theo ông Ánh, trong vấn đề trên, trách nhiệm của ngành xây dựng là không thẩm định được những tính chất cơ lý tối thiểu của vật liệu xây dựng. Điều này cho thấy "dự án sử dụng tiền ngân sách Nhà nước với năng lực quản lý và nhận thức của cán bộ xây dựng Hà Nội như thế thì xã hội sẽ còn thiệt hại nặng nề, còn lãng phí."
"Tôi cho rằng cần phải có một cuộc thanh tra toàn diện về công tác lát đá vỉa hè ở Hà Nội, từ khâu lựa chọn nhà thầu, thẩm định vật tư cho đến nghiệm thu; từ đó làm sáng tỏ nguyên nhân đá vỉa hè ở Hà Nội hỏng là do đâu," ông Ánh nêu quan điểm.
Cần kiểm tra và đánh giá
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng muốn đá vỉa hè Hà Nội đảm bảo được các yếu tố bền vững, an toàn, mỹ quan thì cần phải có nguồn đá đảm bảo tiêu chuẩn và thi công phải đảm bảo kỹ thuật.
"Vì thế, tôi cho rằng cần phải kiểm tra loại đá lát ở vỉa hè Hà Nội được lấy từ đâu và có phù hợp để sử dụng việc lát đá vỉa hè không?" ông Tùng nhấn mạnh.
Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố giao cho ban quản lý dự án các quận làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện dự án, tổ chức đấu thầu và lựa chọn đơn vị nhà thầu từ bước khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công và xây dựng công trình.
Do vậy, trách nhiệm chính trong việc thi công, vận hành vỉa hè thuộc về các quận, huyện. Trong đó, phòng quản lý đô thị các quận là cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu và đôn đốc việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng lát hè trên địa bàn quận đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình theo quy định.
“Quá trình quản lý chất lượng thi công vỉa hè còn có sự tham gia của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, song, quá trình thanh tra thường diễn ra theo kế hoạch. Thêm đó, các cơ quan thuộc sở thường thanh, kiểm tra ở các dự án lớn, bao quát từ hạ tầng, đường sá, cấp thoát nước. Việc kiểm tra từng tuyến vỉa hè cụ thể mỗi năm chỉ có thể tiến hành trên vài chục dự án, không thể bao quát hết các tuyến đường trên toàn thành phố. Do vậy, việc quản lý chất lượng vỉa hè trước và sau khi thi công phụ thuộc chính vào UBND các quận”, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho hay.
Trước đó ngày 2/12, Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân cho biết Ban đã có báo cáo thẩm tra kiến nghị UBND thành phố đánh giá lại chất lượng và hiệu quả của chủ trương lát đá vỉa hè trong năm 2023, để xem xét có tiếp tục hay không.