Chỉ 11% lao động có kỹ năng tay nghề
Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” diễn ra tại Hà Nội sáng 20/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Trong những năm qua, thị trường lao động Việt Nam đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, thị trường lao động nước ta vẫn còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, thiếu tính linh hoạt, chưa thật bền vững. Công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung cầu và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả và chuyên nghiệp. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề tới thị trường lao động trong nước và thị trường xuất khẩu lao động.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) ông Phạm Tấn Công- Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, trên thực tế, Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số "vàng" nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng".
Minh chứng là tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%. Cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường. Việc thay đổi kỹ năng của lao động phụ thuộc vào công tác đào tạo nhưng sự thay đổi chương trình đào tạo chính quy tại các trường giáo dục nghề nghiệp luôn có độ trễ so với nhu cầu trên trị trường lao động.
Dẫn số liệu về thị trường lao động Việt Nam do Manpower khảo sát, đại diện Tập đoàn Manpower Group Việt Nam cho hay: Trong bối cảnh thị trường lao động bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, mức độ phù hợp làm việc từ xa của lao động Việt Nam chỉ chiếm hơn 86%, điều này dẫn đến việc khả năng đáp ứng của lao động trong điều kiện làm việc mới khá thấp.
Tỉ lệ lao động có kỹ năng tay nghề chỉ chiếm 11%, con số này cho thấy kỹ năng chuyên môn của người lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của DN, nhất là trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi về kỹ năng tay nghề của lao động ngày càng cao.
Tỉ lệ sử dụng tiếng Anh chỉ chiếm 5%, dẫn đến sức cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế. Mức lương trung bình tháng của lao động Việt Nam khoảng 300 USD (khoảng 7 triệu đồng), thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực (1.992 USD) và thế giới (2.114 USD).
"Từ những số liệu trên có thể thấy, lao động Việt Nam gặp khá nhiều hạn chế khi các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất, khả năng thích nghi và đáp ứng của lao động còn thấp", đại diện Manpower Group nhận định.
Đào tạo theo xu hướng chuyển đổi số
Với 57% DN đang gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng, để DN thu hút lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, đại diện Manpower Group đề xuất các cơ sở giáo dục đào tạo cần cải tiến một số chương trình, cần có sự kết nối gần giữa DN với các cơ sở đạo tạo để tạo đầu ra cho sinh viên, kết nối sinh viên với DN ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Các DN cần có kế hoạch, chương trình cải thiện tính linh hoạt khi làm việc từ xa của lao động.
Nếu trước kia lương là yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút lao động thì hiện nay cần nhiều yếu tố để "giữ chân" lao động như chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc, cơ hội phát triển kỹ năng và nhiều chính sách linh hoạt khác. DN hiểu chính lao động của mình thì sẽ đáp ứng được nhu cầu của họ.
Trong khi đó, Chủ tịch VCCI kiến nghị, Chính phủ xem xét có những quy định hướng dẫn về đào tạo nội bộ trong DN. Có cơ chế hợp tác giữa nhà trường-cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và DN trong việc xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo tại DN cũng như ban hành cơ chế công nhận về mặt văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận cho người lao động được đào tạo tại DN.
Quốc hội, Chính phủ xem xét có ưu đãi giảm thuế thu nhập cho DN thực hiện các chương trình đào tạo nội bộ tại DN đáp ứng đúng tiêu chuẩn về đào tạo nội bộ trong DN.
"Hiện, Luật Giáo dục nghề nghiệp chỉ quy định các ưu đãi cho DN có thành lập trung tâm, trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc DN và các cơ sở này phải hoạt động như một đơn vị đào tạo chuyên nghiệp. Điều này hạn chế và bỏ sót một hình thức đào tạo phổ biến của phần lớn các DN hiện nay là chương trình đào tạo nội bộ cho người lao động của DN", ông Phạm Tấn Công nói.
Ông Phạm Văn Tài - Tổng Giám đốc Trường Hải THACO cho rằng, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, trung tâm đào tạo nhân tài, từng bước hiện đại hoá theo tiêu chuẩn quốc tế. Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp nghiên cứu, đào tạo theo xu thế chuyển đổi số hiện nay.
Ngoài ra, cần ban hành cơ chế hỗ trợ DN để có thể thu hút ngày càng nhiều chuyên gia nước ngoài, chuyên gia cao cấp đến làm việc, nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao công nghệ và tham gia phục vụ sản xuất nhằm tăng cường khả năng hội nhập quốc tế cho nhân lực Việt Nam.
Ông Nguyễn Khánh Cường- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế LILAMA 2 đề nghị, Chính phủ tiếp tục quan tâm tạo cơ chế để cơ sở giáo dục nghề nghiệp và toàn xã hội tham gia phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng đón các làn sóng FDI vào Việt Nam.
Nhà nước có cơ chế hỗ trợ tín dụng cho sinh viên tham gia vào chương trình chất lượng cao. Đồng thời có chính sách hỗ trợ để đào tạo cho người lao động cũng như đào tạo nâng cao chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với thay đổi của công nghệ.