Theo tờ trình, Chính phủ dự kiến quy định mức giá khởi điểm vùng 1 (Hà Nội, TP.HCM) là 40 triệu đồng; vùng 2 (các tỉnh, thành còn lại) là 20 triệu đồng. Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội đề nghị thống nhất một mức giá chung trong cả nước là 40 triệu đồng.
Phân theo nhóm để đưa ra mức giá khởi điểm phù hợp
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm việc phân chia biển số “rất đẹp”, nhằm tăng tính khả thi, tăng thu ngân sách thông qua việc đấu giá biển số.
Qua giám sát, ông Cảnh cho biết, hiện nay người dân chia biển số đẹp thành 2 nhóm. Nhóm theo quan niệm dân gian có các số 29, 79, 68 và nhóm các số sắp xếp theo nguyên tắc khoa học như 12121; 88899…
Trước đó, Bộ Công an đã cho đánh giá các biển số gồm 5 chữ số giống nhau, 4 chữ số giống nhau, 3 chữ số giống nhau và dãy số tăng dần, đây là nhóm biển số đẹp theo quy tắc khoa học. Trong thực tế, nhóm số người dân yêu thích khi gắn vào ôtô sẽ giúp giá trị của xe tăng lên rất nhiều, có xe 800 triệu nhưng bấm được biển 99999 đã bán 1,7 tỷ đồng.
Với quy định người trúng đấu giá được giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác cùng sở hữu thì người dân sẽ đấu giá cao hơn giá trị gia tăng trước đây.
Vì vậy, ông Cảnh đề nghị bổ sung vào nghị quyết nhóm biển đẹp có số được bố trí theo nguyên tắc khoa học, có số hạn chế trong tổng kho số làm biển số được đấu giá. Và nhóm số này cũng có giá khởi điểm cao hơn.
Những số bắt buộc đấu giá là số Bộ Công an đã đề xuất trước đây, và bổ sung thêm gồm có 5 số giống nhau, 4 số đầu, 4 số cuối giống nhau, có 5 số tiến đều, 4 số cạnh nhau tiến đều; 3 số tiến đều và 2 số cuối giống nhau; có các số lớn hoặc 2 cặp số đối xứng như 288.89; các số lớn và tăng dần như 566.79 hoặc 123.33, 344.55.
Theo tính toán của Đại biểu Cảnh, số lượng số này chiếm 2,4% kho số. Ông đề nghị đưa những số này vào nhóm các biển số bắt buộc đấu giá và những số trong nhóm biển số đẹp theo nguyên tắc khoa học có giá khởi điểm 200 triệu đồng.
Ông cho rằng, đề xuất này có tính khả thi cao, theo cơ quan soạn thảo, vì giá trị biển khoảng 5% giá trị xe. Hiện nay có nhiều dòng xe sang từ 3 - 40 tỷ đồng, vậy nếu tính 5% giá sẽ khoảng 150 triệu đến 2 tỷ đồng. Số lượng dòng xe sang này chiếm khoảng 2,5% số xe đã bán ra thời gian qua.
Như vậy, xác suất người có xe sang đấu giá được hết kho biển số đẹp cao, giúp giá trị xe tăng vài trăm triệu.
Đại biểu băn khoăn về quy định cấp
Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ (Hà Nội) băn khoăn về quy định cấp biển số xe “không còn phụ thuộc vào nơi chủ xe có trụ sở hoặc cư trú như hiện nay nữa”. Như vậy, liệu có khi nào các biển số xe với các đầu số từ 29 đến 33 của thành phố Hà Nội sẽ chủ yếu được gắn trên xe của các địa phương khác?
“Bởi vì, nếu như tôi sinh sống ở các tỉnh trong khu vực miền Bắc thì tôi sẵn sàng bỏ thêm tiền để có thêm biển số Hà Nội. Điều này là một thay đổi rất lớn trong công tác quản lý phương tiện hiện nay. Tôi chưa thấy được đánh giá trong báo cáo đánh giá tác động kèm theo hồ sơ của sự dự án này”, bà Thuỷ nêu.
Qua thảo luận tại đoàn Hà Nội về nội dung này, bà Thuỷ cho biết, ngay lãnh đạo thành phố cũng chưa nắm được chủ trương này và chưa có những biện pháp để thay thế, thích ứng với những thay đổi này.
Đề cập nội dung liên quan đến thừa kế, Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho biết, tại Điểm c, Khoản 1, Điều 3 của dự thảo Nghị quyết quy định: Người trúng đấu giá có quyền được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế xe để đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình. Vì khi chuyển nhượng, cho, tặng có thể giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác, nhưng khi để lại thừa kế, tức là người trúng đấu giá đã qua đời, làm sao giữ lại để đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình như dự thảo Nghị quyết quy định. Chính vì vậy, đại biểu Yến Nhi đề nghị bỏ trường hợp thừa kế trong dự thảo này.
Bên cạnh đó, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 3 quy định về người trúng đấu giá có nghĩa vụ thực hiện thủ tục đăng ký xe trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận trúng đấu giá và quá thời hạn mà không đăng ký, cơ quan có thẩm quyền sẽ thu hồi biển số trúng đấu giá. Về nội dung này, đại biểu Yến Nhi đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ trong trường hợp thu hồi, người trúng đấu giá có được hoàn lại số tiền đã nộp hay không?
Để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) góp ý một số vấn đề cụ thể. Về tên gọi của Nghị quyết, đại biểu cho rằng đối chiếu với các quy định hiện hành có liên quan, tên gọi của Nghị quyết chưa phù hợp, vì các cụm từ cấp quyền, lựa chọn, sử dụng, biển số là nội dung cốt lõi điều chỉnh trong Nghị quyết nhưng toàn bộ nội dung dự thảo lại chủ yếu là quy định về đấu giá. Việc giới hạn chỉ có quyền sử dụng biển số ô tô cũng chưa đầy đủ, bao quát hết quy định về mua, bán, tặng, cho, thừa kế biển số xe ô tô được thể hiện trong dự thảo. Do đó, đại biểu đề nghị điều chỉnh lại tên gọi của Nghị quyết là: Nghị quyết thí điểm về đấu giá biển số xe ô tô.
Về phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung bổ sung: Cần khẳng định việc các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi không tham gia đấu giá biển số xe theo Nghị quyết thí điểm này thì quyền được cấp biển số như hiện nay vẫn được thực hiện theo quy định hiện hành.
Đồng thời, đại biểu đề nghị sửa trong toàn bộ dự thảo Nghị quyết từ “chuyển nhượng” thành “bán”, từ “nhận chuyển nhượng” thành “mua” bởi việc sử dụng các cụm từ này có ý nghĩa xác lập quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi trúng đấu giá biển số và phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Thực tế, gần 15 năm trước, một số địa phương đã thí điểm thành công việc đấu giá biển số xe, thu về hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc các ý kiến của Đại biểu Quốc hội để khi ban hành, Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.