Chính sách kịp thời, đúng đắn
Năm 2022 đánh dấu sự trở lại của ngành du lịch sau đại dịch Covid-19 với quyết định thời điểm "mở cửa" du lịch vô cùng đúng đắn và sớm so với các nước trong khu vực. Mặc dù Việt Nam nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có mức độ phục hồi chậm so với thế giới nhưng Việt Nam đã "mở cửa" sớm, "mở cửa" thuận lợi.
Cũng trong năm 2022, ngành du lịch đã chủ động, linh hoạt để phục hồi các hoạt động du lịch ở mọi phương diện, từ thị trường nội địa đến quốc tế. Cho đến nay, trung bình công suất sử dụng phòng khách sạn 11 tháng đạt 35%, điều này phản ánh những nỗ lực của ngành đã được đền đáp bằng sự quay trở lại của khách du lịch. Các công ty lữ hành, các hãng vận chuyển, các cơ sở dịch vụ đã thu hút lao động trở lại, đồng thời có những chương trình, kế hoạch kích cầu, thu hút khách du lịch và đạt được một số kết quả nhất định.
Với chính sách mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch bao gồm du lịch quốc tế và nội địa. Từ ngày 15/3/2022, du lịch Hà Nội đã bắt đầu đón khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa tăng trưởng mạnh. Ước cả năm 2022, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 1,87 lần so với kế hoạch và 4,7 lần so với năm 2021, bằng 64,7% lượng khách năm 2019.
Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,5 triệu lượt khách, đạt chỉ tiêu Kế hoạch và bằng 21,4% lượng khách quốc tế đến Hà Nội năm 2019 (năm 2021 Thủ đô Hà Nội không đón khách du lịch quốc tế do ảnh hưởng của dịch F-19); khách du lịch nội địa ước đạt 17,2 triệu lượt khách, tăng gấp 2,15 lần so với Kế hoạch và 4,3 lần so với năm 2021, bằng 78,5% lượng khách du lịch nội địa năm 2019.
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,68 lần so với Kế hoạch và 5,3 lần so với năm 2021 và bằng 57,8% tổng thu từ khách du lịch năm 2019.
Đặc biệt, tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2022 - khu vực châu Á và châu Đại Dương, Du lịch Việt Nam đã nhận được 16 giải thưởng du lịch, tiếp tục khẳng định thương hiệu, vai trò và vị thế của du lịch Việt Nam trong khu vực và toàn thế giới.
Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, việc tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022 đã mang lại hiệu quả cao trong việc thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, tạo nên bức tranh đầy màu sắc và hấp dẫn của ngành du lịch Việt Nam khi khép lại hoạt động du lịch năm 2022.
"Thông qua các sự kiện, hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2022 đã nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân về vai trò của du lịch trong phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, phát huy vai trò của cộng đồng là chủ thể tham gia du lịch. Năm Du lịch quốc gia cũng là cơ hội để các địa phương, điểm đến phát huy, quảng bá các nét đẹp văn hóa, các lễ hội và di sản, đầu tư phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch đa dạng, hấp dẫn với chất lượng tốt… Các hoạt động văn hóa, du lịch hướng đến “xanh”, bền vững được phát huy hiệu quả", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Mở cửa du lịch, khách quốc tế tăng mạnh
Là địa phương đầu tiên mở cửa đón khách quốc tế, thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã có nhiều tín hiệu tích cực trong việc phục hồi và phát triển du lịch. Từ hơn 200 du khách Hàn Quốc là đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên đến Phú Quốc sau 2 năm tạm ngưng do dịch Covid-19 theo chương trình “hộ chiếu vaccine” trong bối cảnh bình thường mới, đến nay, số khách quốc tế đến “đảo ngọc” này đã tăng lên gần 200.000 lượt khách.
Theo số liệu của ngành du lịch tỉnh Kiên Giang, khách quốc tế đến thành phố Phú Quốc trong tháng 11/2022 là gần 40.000 lượt khách trong tổng số hơn 324.000 lượt du khách, tăng 4% so với tháng trước. Lũy kế 11 tháng của năm 2022, thành phố Phú Quốc đón hơn 4,7 triệu lượt du khách, tăng 146,3% so cùng kỳ, vượt 25% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế là gần 192.000 khách, vượt 6,5% kế hoạch năm. Doanh thu từ du lịch ước đạt gần 7.300 tỷ đồng, tăng 238,6% so với cùng kỳ, vượt 8% kế hoạch năm.
Tương tự, việc mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022 đã tạo “cú hích” để du lịch Quảng Bình trở lại với “quỹ đạo” phát triển. Hoạt động du lịch lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành năm 2022 phục hồi nhanh và mạnh mẽ với tốc độ tăng cao so với năm 2021. Doanh thu lưu trú năm 2022 đạt 447,5 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2021. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 352 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2021. Tổng lượng khách du lịch ước đạt hơn 2 triệu lượt khách, gấp 3,53 lần so với năm 2021 và đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 30.000 lượt khách, gấp 5,4 lần so với năm 2021, đạt 307% so với kế hoạch.
Sau Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 được tổ chức tại Quảng Ninh, tỉnh đã đón nhiều đoàn khách quốc tế với số lượng lớn. Ngày 15/11, Quảng Ninh đã đón đoàn 650 khách đến từ tỉnh Sarawak (Malaysia), một trong những thành viên EATOF.
Tính chung năm 2022, Quảng Ninh ước tính đón được 11,6 triệu lượt khách, cao gấp 2,6 lần so với năm 2021, tăng 21,7% so với kế hoạch (9,5 triệu khách). Tổng doanh thu du lịch đạt ước đạt 25.172 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với năm 2021, tăng 32,5% so với kế hoạch.
Riêng 11 tháng năm 2022, thành phố đón 6,73 triệu lượt du khách, bằng 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,5 lần so với kịch bản tăng trưởng, trong đó khách quốc tế 288.600 lượt; tổng thu từ du lịch đạt 13.631 tỷ đồng, gấp 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2021, tăng gần gấp đôi so với kịch bản tăng trưởng.
Năm 2023, Hạ Long tập trung triển khai Đề án phát triển du lịch thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó ưu tiên xây dựng và hình thành một số sản phẩm du lịch mới.