Hội đồng châu Âu (EUCO), cơ quan chính trị đại diện cho các nước thành viên EU, nhất trí trì hoãn thực hiện một năm đối với EUDR theo đề xuất của EC. Trong phiên họp toàn thể vào giữa tháng tới, Nghị viện châu Âu, cơ quan lập pháp của EU, cần bỏ phiếu tán thành để quyết định trì hoãn có hiệu lực.
Tai cuộc họp hôm 14/10, các nghị sĩ châu Âu thuộc đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đảng Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D) và đảng Đổi mới châu Âu (RE) cũng đã bày tỏ ý định bỏ phiếu ủng hộ đề xuất hoãn thực hiện EUDR. Ba đảng này chiếm 401 ghế trong tổng số 720 ghế của Nghị viện châu Âu.
Brazil, Mỹ và các đối tác thương mại khác của EU ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin cho biết, EUDR sẽ đẩy chi phí sản xuất và xuất khẩu tăng cao, đặc biệt đối với các hộ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ. Họ cũng phàn nàn về việc thiếu hướng dẫn chi tiết để tuân thủ EUDR.
EUCO thừa nhận, EUDR thiếu các yếu tố quan trọng, chẳng hạn tài liệu hướng dẫn giúp các công ty và quốc gia tuân thủ tốt hơn.
Theo thông báo của cơ quan này, việc trì hoãn sẽ cho phép các nước thứ ba, các quốc gia thành viên EU, doanh nghiệp và thương nhân chuẩn bị đầy đủ các nghĩa vụ thẩm định.
“Sự trì hoãn này mang lại sự chắc chắn về mặt pháp lý, khả năng dự đoán và đủ thời gian để thực hiện suôn sẻ và hiệu quả các quy tắc của EUDR, bao gồm việc thiết lập đầy đủ các hệ thống thẩm định tất cả các hàng hóa và sản phẩm có liên quan”, trích thông báo.
EUDR điều chỉnh 7 nhóm mặt hàng gồm: đậu nành, thịt bò, dầu cọ, gỗ, ca cao, cà phê, cao su, trong đó, các ngành hàng bị tác động lớn tại Việt Nam gồm: cà phê, gỗ và cao su. Sau khi EC đồng ý lùi thời hạn tuân thủ, hạn cuối để các doanh nghiệp lớn tuân thủ EUDR là ngày 30/12/2025; các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là ngày 30/6/2026.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), việc lùi thời hạn giúp các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng như doanh nghiệp, hiệp hội trong các ngành hàng có thể chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
EUDR yêu cầu nhà nhập khẩu của EU phải chứng minh bảy mặt hàng nông nghiệp chủ lực gồm dầu cọ, đầu nành, gỗ, ca cao, cà phê, gia súc (bò) và cao su không được sản xuất từ đất rừng bị phá sau năm 2020. Nếu không chứng minh được, những mặt hàng này sẽ bị cấm nhập khẩu. EUDR được thiết kế nhằm chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn tình trạng xói mòn đa dạng sinh học. Theo EU, nạn phá rừng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ hai, gây biến đối khí hậu, chỉ đứng sau các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch.