Trước tiên, EVN khẳng định rằng Báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN được lập theo đúng quy định, đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam.
Kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) điện năm 2022 cũng đã được kiểm tra bởi Đoàn kiểm tra liên ngành theo Quyết định số 543/QĐ-BCT ngày 03/03/2023 về việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bao gồm đại diện của các Bộ, cơ quan, hiệp hội có liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Ngày 31/03/2023, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo công bố nội dung về kết quả kiểm tra chi phí SXKD điện năm 2022 của EVN. Theo số liệu công bố tại buổi họp báo, giá bán lẻ điện bình quân bán cho khách hàng sử dụng điện theo biểu giá điện do Chính phủ quy định thực hiện trong năm 2022 là 1.882,73 đ/kWh, trong khi đó giá thành mua điện từ các nhà máy điện (bao gồm cả chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ) là 2.032,26 đ/kWh.
Vì vậy, với mỗi kWh bán cho khách hàng sử dụng điện năm 2022 thì EVN lỗ 149,53 đồng/kWh, làm EVN lỗ SXKD điện -36.294,15 tỷ đồng năm 2022. Nhờ có thu nhập từ các hoạt động khác liên quan tới SXKD điện là 10.058,36 tỷ đồng (thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng; thu nhập từ hoạt động tài chính của Công ty mẹ - EVN, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, các Tổng công ty Điện lực; thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia, lãi chuyển nhượng vốn của Công ty mẹ EVN và các Tổng công ty Điện lực) nên số lỗ tổng hợp SXKD năm 2022 của EVN là -26.235,78 tỷ đồng.
Giá thành mua điện từ các nhà máy điện bán tới khách hàng bao gồm giá thành khâu phát điện, giá thành khâu truyền tải, khâu phân phối - bán lẻ, khâu phụ trợ. Trong đó, giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng chủ yếu. Năm 2022, giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng 83,6%; các khâu truyền tải, phân phối-bán lẻ và phụ trợ chỉ chiếm tỷ trọng 16,4%. EVN đã nỗ lực và quyết liệt thực hiện các giải pháp nội tại để giảm chi phí như tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn từ 20% đến 40%... làm cho giá thành khâu truyền tải, phân phối - bán lẻ và phụ trợ năm 2022 giảm 19,69 đ/kWh so với năm 2021 (chỉ còn 333,81 đ/kWh năm 2022 so với 353,5 đ/kWh năm 2021). Nhưng do các thông số đầu vào khâu phát điện năm 2022 (giá nhiên liệu than, dầu, khí) tăng đột biến so với các năm trước đây nên làm giá thành khâu phát điện tăng mạnh, từ 1.506,4 đ/kWh năm 2021 lên 1.698,45 đ/kWh trong năm 2022 (tương ứng mức tăng 192,05 đ/kWh).
Cụ thể: Giá than nhập khẩu (áp dụng cho các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu, chủ yếu theo chỉ số NewC Index) tăng rất mạnh trong năm 2022: bình quân chỉ số NewC Index năm 2022 là 362,8 USD/tấn, tăng 163% so với bình quân năm 2021 (138 USD/tấn). Đặc biệt, chỉ số NewC Index bình quân tháng 09/2022 là 434 USD/tấn, tăng 214% so với bình quân năm 2021.
Giá than pha trộn (được sử dụng chủ yếu cho các nhà máy nhiệt điện than): Than phan trộn TKV cung cấp: Mức tăng giá than pha trộn bình quân của TKV trong năm 2022 là từ 41% đến 46,4% (tuỳ từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021.
Than pha trộn TCT Đông Bắc cung cấp: Mức tăng giá than pha trộn bình quân của TCT Đông Bắc trong năm 2022 là từ 34,7% đến 39,4% (tuỳ từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021.
Giá khí cho các nhà máy điện tua bin khí trong nước (theo cơ chế giá khí thị trường nhưng không thấp hơn giá khí miệng giếng) được xác định theo giá dầu thế giới là dầu HSFO và dầu thô Brent cũng tăng rất mạnh.
Dầu Quốc tế HSFO bình quân năm 2022 là 521,6 USD/tấn, tăng 27,3% so với năm 2021 (409,6 USD/tấn). Đặc biệt, chỉ số dầu HSFO bình quân tháng 04/2022 là 705,4 USD/tấn, tăng 72% so với bình quân năm 2021.
Giá dầu thô Brent bình quân 2022 là 101,3 USD/thùng, tăng 42,9% so với giá dầu thô Brent bình quân năm 2021 (70,9 USD/thùng). Hiện nay do khí Nam Côn Sơn suy giảm nên các nhà máy nhiệt điện khí (Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 4, Phú Mỹ 2.2 BOT, Phú Mỹ 3 BOT, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 và Bà Rịa) tiếp nhận khí Hải Thạch – Mộc Tinh, Sao Vàng - Đại Nguyệt và khí Đại Hùng, Thiên Ưng có giá cao, đặc biệt khí Thiên Ưng, Sao Vàng - Đại Nguyệt giá rất cao ~ 10 USD/tr.BTU (do giá khí và cước vận chuyển khí cao).
Theo Quyết định số 24/2017/QĐ- TTg ngày 30/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, khi các thông số đầu vào cho sản xuất điện tăng thì giá bán lẻ điện được điều chỉnh tương ứng. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, giá điện chưa được cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh theo biến động của thông số đầu vào trong năm 2022 nên EVN không có nguồn thu để bù đắp các chi phí mua điện tăng thêm.
Năm 2022, các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc EVN sản xuất với sản lượng chỉ chiếm 20% tổng sản lượng điện năng của hệ thống với giá điện bình quân là 859,9 đ/kWh. Với vai trò là người mua duy nhất, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, EVN đã phải mua 80% sản lượng điện năng còn lại từ các nhà máy điện độc lập theo các hợp đồng mua bán điện và giá điện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt với giá điện bình quân 1.757,5 đ/kWh (chưa bao gồm chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ) để cung cấp cho khách hàng.
Ngoài nhiệm vụ của một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện, EVN còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ giao trong việc thực hiện đầu tư lưới truyền tải và mạng lưới bán điện đến cả vùng núi, hải đảo và bán thấp hơn giá thành để góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng tại các địa bàn trọng điểm. Nếu thị trường năng lượng được phát triển hoàn chỉnh theo định hướng “phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo” theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị và giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp thời theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì các khách hàng sử dụng điện sẽ phải chịu ngay các chi phí mua điện tăng thêm do thông số đầu vào tăng đột biến trong năm 2022.
Tuy nhiên, với cơ chế điều tiết giá bán lẻ điện như hiện tại của Chính phủ, EVN đang là doanh nghiệp đứng ra chịu toàn bộ khoản lỗ SXKD năm 2022 thay cho các khách hàng sử dụng điện.
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân khẳng định: "Các nguyên nhân trên đã làm EVN lỗ SKXD năm 2022 và có thể tiếp tục lỗ trong các năm tiếp theo dù EVN đã rất nỗ lực và quyết liệt triển khai các giải pháp nội tại để tiết giảm chi phí trong toàn EVN".