Đặc biệt, trải qua thời gian học online do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, thời điểm này, một số lượng lớn sinh viên ở nhiều tỉnh, thành đang đổ dồn về Hà Nội. Nhu cầu lớn cộng với giá phòng tăng cao đã khiến không ít sinh viên gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ở phù hợp.
"Cháy phòng" cho thuê
Theo ghi nhận, phòng trọ tại các khu vực như Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Quốc Việt... đều trong tình trạng hết chỗ. Điều này khiến sinh viên các trường đại học lân cận chật vật, bất an vì không tìm được nơi ở.
Hà Chi - tân sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, em muốn tìm phòng trọ gần trường để tiện cho việc học tập và sinh hoạt. Tuy nhiên đã một tuần trôi qua Linh vẫn chưa tìm được phòng ưng ý.
"Em đã phải ở nhờ nhà người quen cả tuần nay. Dù là lên mạng tìm phòng hay đi trực tiếp để tìm thì tất cả đều báo hết phòng. Một số phòng được trang bị nội thất cơ bản như giường, tủ quần áo, bếp thì giá lại quá cao lên tới 4-5 triệu đồng. Một số phòng khác giá rẻ hơn nhưng ẩm thấp, không được sạch sẽ nên em không muốn thuê” - Chi chia sẻ.
Rơi vào tình cảnh tương tự, bạn Nguyễn Trung Kiên - tân sinh viên Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội cho hay - em và bố đã lang thang ở khu vực Cầu Giấy, Xuân Thuỷ đến 3 ngày nhưng vẫn chưa tìm được phòng.
"Có những hôm trời mưa tầm tã hai bố con đội mưa đi tìm nhưng cũng không tìm được. Em xác định ở một mình nên chỉ muốn tìm một căn phòng đơn giá dưới 2 triệu. Tuy nhiên phòng phân khúc giá đó rất khó tìm, chủ yếu dao động từ 3- 4 triệu đồng/ tháng. Với tình trạng này em phải tìm 2-3 bạn ở ghép để giảm bớt chi phí” - Trung Kiên lo lắng.
Phòng "Tăng giá là chuyện dễ hiểu"
Lý giải về việc phòng trọ tăng giá, chị Khánh Hiền - chủ nhà trọ trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy) cho biết, đầu năm học nhu cầu thuê phòng trọ của sinh viên ngoại tỉnh tăng cao khiến phòng trọ trở nên khan hiếm. Vì vậy, nhiều chủ trọ tăng giá phòng là điều dễ hiểu.
"Đã có tình trạng sáng báo giá phòng nhưng người thuê kêu đắt không đồng ý, chiều gọi lại muốn thuê nhưng đã hết phòng. Giờ chậm chân một phút đã hết phòng nên ưng phòng nào thì phải đặt cọc luôn chứ không chần chừ. Muốn tìm phòng rẻ, đầy đủ tiện nghi thì phải chấp nhận ở xa trường cả chục cây, phòng sạch đẹp thì phải chịu đắt” - chị Hiền cho biết.
Phòng trọ càng ở gần trường giá càng cao cũng là điều dễ hiểu, bởi vậy không ít bạn sinh viên chấp nhận ở xa trường một chút nhưng lại có giá phòng phù hợp hơn.
Không chỉ tân sinh viên, sau thời gian dài học online và kỳ nghỉ hè vừa rồi, các bạn sinh viên năm 2, năm 3 cũng có nhu cầu tìm phòng trọ mới, do đó nhu cầu tăng, giá phòng cũng tăng lên theo.
Thận trọng khi ký hợp đồng thuê nhà trọ
Trước nhu cầu nhiều tân sinh viên tỉnh lẻ lên Hà Nội thuê phòng trọ, anh Trần Ngọc Thanh - phụ trách một văn phòng môi giới bất động sản ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm để các sinh viên tránh mất tiền oan khi thuê phòng.
"Những tân sinh viên đi thuê nhà hầu hết đều lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội nên để tránh rủi ro cần tìm hiểu thông tin phòng trọ qua bạn bè, người thân hoặc trên các trang web về bất động sản trước khi đến xem. Sau khi tham khảo các thông tin về phòng trọ thấy hợp lý với nhu cầu của mình hãy gọi điện để liên hệ đến xem phòng.
Khi gọi điện phải hỏi rõ người đăng tin là họ là chủ nhà hay môi giới và đến xem phòng có mất phí không để tránh gặp phải “cò” lừa đảo", anh Trần Ngọc Thanh cho hay.
Cũng theo anh Thanh, khi đã chọn được phòng trọ, mỗi cá nhân cần đàm phán với chủ nhà về mức giá thuê, tiền đặt cọc, tiền điện, nước và các loại phí dịch vụ khác như Internet, truyền hình cáp, vệ sinh.
Sau khi thống nhất giá cả với chủ nhà hai bên sẽ làm hợp đồng thuê nhà. Điều quan trọng nhất trước khi đặt bút ký hợp đồng thuê nhà là bên thuê cần đọc kỹ nội dung, các điều khoản quan trọng về giá thuê, thời hạn, phương thức thanh toán đồng thời yêu cầu chủ nhà cam kết trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm không tăng tiền nhà. Bên cạnh đó cần kiểm tra kỹ môi trường sống tại khu trọ, vấn đề an ninh, an toàn.
Người thuê trọ cũng cần xem xét thật kỹ đồ đạc trước khi quyết định thuê phòng, nếu có hỏng hóc cần báo ngay cho chủ nhà trọ, tiến hành chốt số điện ngay từ ngày đầu tiên chuyển đến, tránh phải trả thêm lượng điện đã sử dụng của người ở trước đó.
Ngoài ra, các tân sinh viên cần tham khảo danh sách những “nhà trọ đen” được sinh viên đăng trên các diễn đàn để tránh xa. Bởi đó là những nhà trọ có chủ nhà khó tính, hay soi mói, thường tăng giá nhà vô tội vạ, thu tiền điện nước và các phí dịch vụ khác với giá "cắt cổ"…
"Đặc biệt các tân sinh viên nên cẩn trọng trong việc tìm người ở ghép. Không nên ở cùng người lạ, mới quen nhằm tránh tình trạng bạn cùng phòng lấy trộm đồ của nhau hoặc tính tình không hợp sẽ phát sinh mâu thuẫn phức tạp…", anh Thanh nhắn nhủ.