Giảm thuế BVMT không phải giải pháp tối ưu
Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc giữ nguyên mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) ở mức 1.000 đồng/lít đối với xăng và 500 đồng/lít đối với dầu diesel trong năm 2023.
Bộ Tài chính dự báo giá các mặt hàng xăng dầu thành phầm trong năm 2023 giảm so với giá bình quân năm 2022 nhưng vẫn còn ở mức cao, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế. Trong bối cảnh tình hình thị trường xăng dầu thế giới vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến thị trường xăng dầu trong nước. Do đó, cần phải có giải pháp để góp phần ổn định giá xăng dầu, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2023.
Ngày 7/12/2022, trao đổi với Kinh tế Môi trường trước đề xuất mới của Bộ Tài chính, TS.Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: “Việc giảm thuế BVMT có thể giảm một phần chi phí giá xăng dầu tuy nhiên điều này không thực sự cần thiết và chỉ có tác động trong một giai đoạn nhất định. Trong giai đoạn này, chính sách giảm thuế dường như chỉ mang tính động viên và chỉ có tác động giới hạn do thị trường xăng dầu thế giới đang diễn biến rất nhanh mà mạnh”.
TS.Lê Đăng Doanh cho hay, hiện nay nước ta vẫn có đợt điều chỉnh giá xăng định kỳ 10 ngày một lần. Vì vậy, cần có sự khảo sát, nghiên cứu và làm rõ về các nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu bất ổn định và đưa ra giải pháp khắc phục.
Đồng quan điểm, GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cũng cho rằng, giảm thuế BVMT không phải là giải pháp tốt nhất.
Hồi tháng 3 - 4/2022, thị trường xăng dầu trong nước có nhiều biến động, người dân tại nhiều tỉnh thành phải xếp hàng mua xăng do lo ngại giá lên cao. Đến tháng 7/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết giảm thuế BVMT với xăng dầu và mỡ nhờn. Cụ thể giảm 1.000 đồng/lít thuế BVMT với xăng (trừ etanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Dầu hỏa giữ mức thuế 300 đồng/lít.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh này không mang lại tác động quá lớn giúp ổn định thị trường trong thời gian giá xăng thế giới tăng mạnh. Giai đoạn từ tháng 9 - 11/2022 tiếp tục diễn ra tình trạng khan hiếm xăng dầu ở nhiều nơi. Tình trạng người dân xếp hàng mua xăng dầu trong đêm một lần nữa diễn ra trong năm, giá xăng thời điểm này cũng có nhiều biến động khi có thời điểm tăng 8 đợt liên tiếp.
GS.TS Đặng Đình Đào nhận xét: “Việc giảm thuế BVMT với xăng dầu là hoàn toàn không hợp lý. Thị trường xăng dầu bất ổn bắt nguồn từ công tác quản lý của Bộ Công thương và Bộ Tài chính chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào giá xăng dầu trên thị trường thế giới”.
Tại sao Việt Nam không tìm các nguồn xăng dầu rẻ, ổn định hơn?
Theo GS.TS Đặng Đình Đào, để ổn định thị trường xăng dầu trong nước 2023, cần có nhiều giải pháp hơn ngoài việc giảm các loại thuế đối với mặt hàng này. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển chỉ ra 4 vấn đề của thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay và các giải pháp khắc phục:
Thứ nhất, cần phát huy tiềm lực xăng dầu trong nước. Hiện nay, Việt Nam đã có thể tự sản xuất xăng dầu trong nước và thậm chí còn có thể xuất khẩu ra nước ngoài với giá thành thấp hơn. Vậy tại sao nguồn cung vẫn thiếu hụt trong khi nguồn xăng dầu trong nước đã đáp ứng đến 70% - 80% nhu cầu thị trường.
Theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn trong quý 3 dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý 4 dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).
GS.TS Đặng Đình Đào thắc mắc: “Tại sao Việt Nam không tìm các nguồn xăng dầu rẻ, ổn định hơn mà vẫn cố chấp với các thị trường xăng dầu trong khu vực như Singapore hay Hàn Quốc? Trước đây, các nước EU toàn bộ đều nhập khẩu nguồn xăng dầu từ Nga với mức giá rẻ hơn. Nếu nhập khẩu xăng dầu từ đây, Việt Nam có lợi thế về các con đường vận chuyển: đường bộ, đường sắt”.
Thứ hai, nâng cao công tác quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu trong nước. Cần thực sự xây dựng các chính sách đi vào đời sống người dân chứ không còn mang tính lý thuyết nữa. Bộ Công Thương cần đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số trong hoạt động quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu trong nước, kịp thời nắm bắt thông tin để có thể đưa ra các phương án ứng xử trong từng diễn biến. Đồng thời cũng cần kiểm soát chặt chẽ công tác này, tránh tình trạng khai gian, ôm hàng, đầu cơ tích trữ gây nhũng loạn thị trường xăng dầu.
Ngoài ra, rà soát lại hệ thống kinh doanh xăng dầu nội địa, xây dựng “luật chơi” rõ ràng để đảm bảo quyền lợi của mỗi bên tham gia. Đồng thời, đảm bảo tự do kinh doanh xăng dầu trong khuôn khổ quản lý của nhà nước, siết chặt công tác quản lý để hạn chế các vấn đề tiêu cực trong kinh doanh xăng dầu nhất là trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động mạnh.
Thứ ba, xây dựng hệ thống kho dự trữ xăng dầu quốc gia. Các cơ quan liên quan cần tính toán, tìm hiểu căn cơ vấn đề từ đó xây dựng hệ thống dự giữ dầu quốc gia thay vì dự trữ tại các đơn vị kinh doanh xăng dầu như hiện nay.
GS.TS Đặng Đình Đào, khẳng định: “ Với hệ thống kho dự trữ xăng dầu quốc gia, các cơ quan chức năng có thể dễ dàng kiểm soát tình hình xăng dầu trong nước. Khi xăng, dầu thế giới ở mức thấp có thể tăng số lượng nhập. Việc đảm bảo kho dự trữ xăng dầu quốc gia sẽ góp phần ổn định giá xăng dầu và giảm tính phụ thuộc vào thị trường xăng dầu thế giới”.