“Tạm giữ” hay “bị bắt”, cũng như tội trạng của một người từng một thời “hét ra lửa” này còn phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Chỉ biết rằng, ông Đỗ Hữu Ca liên quan đến vụ án “Trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” xảy ra tại Quảng Ninh và Hải Phòng. Và sau đó ông này đã nộp hàng chục tỷ đồng, khoản tiền “chạy án” cho một giám đốc của nhiều “doanh nghiệp ma”. Nhận cả đống tiền nhưng không hề “chạy” ai cả, đó là bằng chứng không thể chối cãi cho hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Càng thấm thía lời khuyên của người xưa: Chơi với tiền bạc phải thấy cái bạc của tiền.
Có mấy câu hỏi đặt ra: Tại sao một cán bộ cao cấp, từng nhiều năm đứng đầu một cơ quan điều tra, bảo vệ pháp luật mà “tay lại nhúng chàm”? Tại sao một cán bộ về hưu, tưởng đã “hạ cánh an toàn” rồi mà vướng vào tội lừa đảo, tham nhũng? Vậy nguyên nhân cơ bản đẩy ông ta xuống vực thẳm là gì? Dư luận cũng hoan nghênh Bộ Công an và Công an Quảng Ninh, đã hết sức nghiêm túc, công bằng trong việc điều tra, xử lý sai phạm, “thương nhau thì bỏ trong lòng” cứ làm đúng phép công, cho dù người đó là ai.
Đã nhiều lần tại các hội nghị về tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, đại diện các cơ quan pháp luật, lãnh đạo các địa phương, đơn vị lưu ý về những nút thắt, những kẽ hở mà quan chức thoái hóa, biến chất dễ lợi dụng. Đáng lo ngại là có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi. Để che chắn, chống lưng cho các đệ tử, để bảo kê cho người thân quen làm ăn bất chính, họ tiếp tay bằng vô số thủ đoạn. Khi người đại diện pháp luật mà làm ngơ, mách nước, ăn chia những khoản hoa hồng béo bở thì sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy khác. Trong thực tế, có tình trạng một số người có chức quyền, quen biết rộng, thuộc các “ngõ ngách”, khi về hưu họ vẫn tiếp tục tham gia vào việc làm ăn không chính đáng, trong đó khá phổ biến là chạy dự án, chạy giấy phép đầu tư, nhập khẩu, xuất khẩu, chạy chức, chạy tội... Nhiều doanh nghiệp kêu trời vì thủ tục rườm rà, vì các khoản phí “bôi mãi mà không trơn” đành phải tìm đến các “cò” dự án. Tiếc thay, có không ít “cò” từng một thời “nói có người nghe, đe có kẻ sợ”. Một vị lãnh đạo cấp huyện than thở với chúng tôi: “Khổ lắm các bác ạ. Một cái dự án khai thác khoáng sản chưa đến trăm tỷ (đồng) mà hết ông này đến ông kia gọi điện tới”.
Như vậy cái nguyên nhân cơ bản không hoàn toàn là cơ chế để người ta không thể, không muốn, không dám tham nhũng. Pháp luật cùng các quy chế, quy định có đầy đủ đến mấy cũng không thể bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Khi ấy điều thức tỉnh, cũng là ràng buộc cuối cùng chính là lương tâm con người. Nghịch lý của quyền lực là ở chỗ này. Tôi nhớ đến câu nói của một nhà khoa học Mỹ - TS Dacher Keltner, Đại học UC Berkeley: “Quyền lực là do người khác trao cho chúng ta. Phải thấy rằng càng có nhiều quyền lực thì càng phải biết sợ và càng cảm thấy ít an toàn”.
Trở lại câu chuyện an toàn và không an toàn khi đã “hạ cánh”. Trong nhiều năm trước đây có tâm lý cho rằng, cứ về hưu là ra khỏi mọi sự kiểm tra, giám sát, không ai đụng đến nữa. Về hưu là hết trách nhiệm với tổ chức, với đơn vị, cơ quan cũ, bất kể trước đó công việc bê bối, dính đến tiêu cực. Thế nhưng, trong mấy năm qua, tình hình đã khác. Lò lửa đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng nóng. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng đã bị đưa ra ánh sáng, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã phải nhận các hình thức kỷ luật nghiêm khắc, phải xử lý trước pháp luật. Việc Đảng ta kiên trì, kiên quyết làm trong sạch đội ngũ, xử lý cán bộ tha hóa về đạo đức, lối sống dù đương chức hay đã về hưu một lần nữa thể hiện quyết tâm chính trị, sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn của pháp luật. Thêm một lần nhắc nhở mọi cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng luôn phải nêu gương, giữ gìn đạo đức, phong cách, kể cả khi đang công tác hay lúc về hưu.
Không chỉ còn là điều cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, mà phải xử lý thật nghiêm, người dân thường nói nôm na là trừng trị đích đáng. Lúc này càng thấm thía lời khuyên của người xưa: Trị một người để cứu muôn người.
Qua vụ việc điều tra, xem xét, xử lý nghiêm minh đối với ông Đỗ Hữu Ca và nhiều vụ trước đó, cán bộ, đảng viên, người dân càng thêm tin tưởng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó trọng tâm là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Sai đến đâu xử đến đấy, rõ đến đâu xử đến đấy, không nể nang, né tránh, dù trước đó họ có thể có cống hiến nhất định, chỉ làm cho kỷ luật được giữ vững, Đảng ta mạnh lên, không sợ kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, không sợ “ảnh hưởng đến phát triển kinh tế”. Khi có một bộ máy Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, bắt kịp xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi được nhân dân tin tưởng và hết lòng ủng hộ thì thời cơ sẽ đến, thách thức phải lui, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng sẽ thành hiện thực!