Quyết liệt phòng chống gian lận trong thi cử
Thông tin về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Toàn thành phố có 97.524 thí sinh dự thi, trong đó có 85.883 thí sinh học chương trình THPT, 11.641 thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên; Có 4.476 thí sinh tự do. Cùng với đó là 25 học sinh thuộc Cục nhà trường - Bộ Quốc phòng cùng tham dự kỳ thi với thí sinh Hà Nội.
Sở đã bố trí 181 điểm thi chính thức và 60 điểm thi dự phòng; trong đó có 66 điểm thi chính thức đặt tại trường THCS, 3 điểm thi chính thức đặt tại Trung tâm GDNN-GDTX và 112 Điểm thi chính thức đặt tại trường THPT.
Toàn thành phố có tổng cộng 4.594 phòng thi, trong đó có 4.070 phòng thi chính thức, 362 phòng thi dự phòng, 162 phòng chờ. Sở cũng đã điều động 14.096 cán bộ, công chức, viên chức tham gia coi thi; 695 cán bộ, công chức, viên chức tham gia Ban chấm thi.
Thí sinh trong một quận/huyện/thị xã được bố trí thành một cụm thi. Để bảo đảm quy chế thi, tại mỗi điểm thi, cán bộ coi thi là giáo viên của các trường THPT đến từ quận/huyện/thị xã lân cận; cán bộ coi thi là giáo viên của các trường THCS tại quận/huyện/thị xã nơi đặt điểm thi.
Mỗi cụm thi (quận, huyện, thị xã) bố trí 2 điểm thi dự phòng. Mỗi điểm thi, ngoài các phòng chờ được bố trí theo quy định, được bố trí 2 phòng thi dự phòng để tổ chức thi cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định tại Công văn số 2232/BGDĐT-QLCL.
Điểm thi trường THPT Thăng Long có 19 phòng thi, 2 phòng chờ, 2 phòng dự phòng. Đến nay, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất như phòng thi, phòng y tế, phòng làm việc của điểm thi, của trưởng điểm thi, phòng bảo quản đề thi và các phương tiện làm việc của điểm thi... đã hoàn tất.
Ngoài ra, điểm thi cũng phối hợp với các cơ quan chức năng về các vấn đề an ninh, y tế, điện lực để bảo đảm các điều kiện an toàn nhất cho kỳ thi về ánh sáng, nhiệt độ, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh trong những ngày diễn ra kỳ thi.
Khu vực cổng ra vào, tường rào, các hộ dân xung quanh điểm thi, giao thông quanh điểm thi đều đảm bảo theo quy định. Các phòng không sử dụng sẽ niêm phong; Phương tiện thông tin không sử dụng đến cũng như tín hiệu Internet trong khu vực thi được vô hiệu hóa.
Bà Vũ Phương Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long, Phó trưởng điểm thi Trường THPT Thăng Long cho biết: Nhà trường cũng đã bố trí khu vực để đồ dùng tư trang, thiết bị điện tử của thí sinh cách 25m so với phòng thi đặt ngay tại cổng trường. Mỗi phòng thi được bố trí 1 thùng ghi rõ số phòng, có lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ ghi rõ số báo danh của thí sinh vào đồ dùng, tránh việc nhầm lẫn.
Nhấn mạnh đến công tác phòng chống gian lận trong thi cử, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, hoạt động thanh tra, kiểm tra kỳ thi sẽ nhấn mạnh “3 không” - không bỏ sót, không tạo kẽ hở - khoảng trống, không bị động.
Công tác thanh tra, kiểm tra năm nay sẽ thực hiện ở tất cả các khâu của kỳ thi. Bộ GD&ĐT thành lập 10 đoàn kiểm tra tại 20 Sở GD&ĐT (không trùng lặp với các đoàn của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia). Thành lập 5 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia, mỗi đoàn do 1 lãnh đạo Bộ GD&ĐT làm Trưởng đoàn, các thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức kiểm tra tại các địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức thi.
Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2022 có điểm mới là quy định thí sinh phải để vật dụng cá nhân cách khu vực thi 25m. Các đoàn thanh tra, kiểm tra cần căn cứ vào đó để rà soát, chấn chỉnh phòng thi, điểm thi chưa bảo đảm quy định.
Sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có ý nghĩa quan trọng bởi kết quả kỳ thi không chỉ để xét công nhận tốt nghiệp, mà còn được sử dụng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Tại cuộc làm việc của Bộ GD&ĐT với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2022 thành phố Hà Nội ngày 1/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ghi nhận công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tại Hà Nội triển khai nghiêm túc, chủ động, bài bản, khoa học và đáp ứng yêu cầu của kỳ thi.
Đồng thời, Thứ trưởng bày tỏ ấn tượng với việc triển khai các hoạt động hỗ trợ thí sinh và tinh thần chủ động ứng phó với dịch bệnh của các lực lượng thành phố Hà Nội. Công tác tổ chức thi đảm bảo tốt, các điểm in sao đề thi được tổ chức chặt chẽ theo quy định.
Thứ trưởng đề cập đến việc chuẩn bị kỹ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Trong đó, về đội ngũ làm thi, cần lưu ý bố trí đội ngũ dự phòng đảm bảo số lượng, chất lượng. Về chuẩn bị cơ sở vật chất, cần bố trí linh hoạt vị trí để đồ tư trang của thí sinh đảm bảo cách xa tối thiểu 25m, nên bố trí nhiều điểm đảm bảo không bị ùn tắc vì đông thí sinh.
Cho rằng tổ chức kỳ thi là công việc cần sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, do đó, Thứ trưởng đề nghị, trong công tác chỉ đạo cần có một kế hoạch tổng thể, bảo đảm phân công “rõ người, kín việc”.
Trong công tác phối hợp phải nhịp nhàng, chặt chẽ; trong công tác chỉ đạo phải quyết liệt, dứt điểm; Đồng thời, cần duy trì chế độ báo cáo, khi có vấn đề cần phát hiện sớm trên tinh thần phòng ngừa là chính.
Nhằm bảo đảm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra an toàn, nghiêm túc, chất lượng, Bộ GD&ĐT điều động đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại các địa phương từ khoảng 200 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.
Theo đó, cùng với lực lượng thanh tra của các sở GD&ĐT, tại hội đồng thi của tất cả địa phương còn có sự tham gia của thanh tra Bộ GD&ĐT - là cán bộ, giảng viên cơ sở giáo dục đại học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Bộ GD&ĐT dự kiến huy động khoảng 8.000 giảng viên đại học tham gia công tác thanh tra, kiểm tra ở cả hai khâu tổ chức thi và chấm thi.
Bộ đã tập huấn công tác thanh tra, kiểm tra cho nhân sự các sở GD&ĐT và cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Ở khâu coi thi, 63 đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ tại các sở GD&ĐT. Bộ GD&ĐT có 5 đoàn do các thứ trưởng làm trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi của các tỉnh. Ngoài ra, Thanh tra Bộ còn tham mưu tổ chức 10 đoàn kiểm tra độc lập tại 20 địa phương…
Ngày 6/7, các điểm thi chính thức làm việc. Trong đó, buổi sáng các điểm thi tổ chức cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ học quy chế thi; Buổi chiều tổ chức làm thủ tục dự thi cho thí sinh. Thí sinh chính thức làm bài thi vào ngày 7 và 8/7.
Cụ thể, sáng 7/7, thí sinh thi môn Ngữ văn (120 phút); Chiều 7/7, thi môn Toán (90 phút). Sáng 8/7, thí sinh thi một trong hai bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội (150 phút); Chiều 8/7, thí sinh thi môn Ngoại ngữ (60 phút).