Di sản của nhân loại
Nằm sâu trong một ngọn núi cao ở Spitsbergen thuộc quần đảo Svalbard vùng Bắc Cực xa xôi giữa lục địa Na Uy - Bắc Cực là căn hầm có tên Svalbard Global Seed Vault (SGSV) lưu trữ bộ sưu tập hạt giống lớn nhất hành tinh, bao gồm các loại cây trồng chính yếu như ngô, gạo, lúa mì, lúa mạch… Hầm được quản lý bởi Trung tâm Nguồn gien Bắc Âu (Norgen) và được Chính phủ Na Uy cùng Tổ chức Crop Trust (trụ sở tại Đức) tài trợ giúp các nước, viện nghiên cứu lưu trữ hạt giống miễn phí.
Trong vòng 5 thập niên trở lại đây, hoạt động nông nghiệp toàn cầu đã chứng kiến những thay đổi vô cùng lớn. Nhờ tiến bộ công nghệ, năng suất và sản lượng cây trồng tăng lên rõ rệt, nhưng độ đa dạng của các loại cây trồng lại giảm xuống. Hiện tại, 95% nhu cầu lương thực và năng lượng toàn cầu được cung cấp bởi 30 loại cây trồng.
Theo báo cáo của Crop Trust, chỉ có 10% các giống lúa mà Trung Quốc từng sử dụng trong những năm 50 của thế kỷ XX vẫn được trồng trọt đến ngày nay. Trong khi đó, Mỹ đã mất hơn 90% các loại trái cây và rau quả kể từ những năm 1900.
Trên toàn thế giới hiện có hơn 1.700 ngân hàng gen bảo quản các bộ sưu tập cây trồng nhưng lại dễ bị tổn thương, trước cả thảm họa có thể tránh được. Ví dụ, một chiếc tủ đông hoạt động kém hiệu quả có thể làm hỏng cả một bộ sưu tập, dẫn đến sự mất mát của một giống cây trồng quý hiếm giống và dẫn đến tuyệt chủng.
Nhận thức được tầm quan trọng này, Chính phủ Na Uy đã quyết định xây dựng hầm hạt giống toàn cầu để dự phòng. Mục đích của SGSV là lưu trữ bản sao của những mẫu hạt giống từ các bộ sưu tập hay ngân hàng gen cây trồng trên toàn thế giới gửi đến.
SGSV là nơi không có người sinh sống cho đến tận những năm 20 ở thế kỷ XX, khi Na Uy tuyên bố chủ quyền với hòn đảo này. Khu vực Bắc Cực lạnh giá, với sự ổn định về khí hậu và điều kiện địa chính trị, được đánh giá là phù hợp nhất trên thế giới để bảo tồn văn hóa con người và các dạng sống trên trái đất, trong trường hợp chiến tranh hạt nhân hoặc thảm họa tự nhiên xảy ra.
Lợi thế nơi xây dựng SGSV là lớp băng và đá dày nên mẫu hạt giống sẽ vẫn được bảo tồn ngay cả khi không có điện. Vì thế GSSV được xem là “chính sách bảo hiểm” cuối cùng cho nguồn cung cấp lương thực của nhân loại, dự phòng lựa chọn cho các thế hệ tương lai để vượt qua những thách thức của biến đổi khí hậu và gia tăng dân số cũng như thảm họa do thiên nhiên và con người gây ra.
SGSV là một phần của Kho lưu trữ Bắc Cực để bảo quản di sản của nhân loại và là một trong những công trình kiên cố và an toàn nhất hành tinh chúng ta. Do nằm sâu 150m dưới lòng băng nên hầm có khả năng chịu được các thảm họa tận thế diễn ra. Cổng ra vào được xây bằng bê tông, phía cuối hầm là một cánh cửa kim loại trọng lượng lớn.
Hầm được chôn vùi trong lớp băng vĩnh cửu, luôn ở trạng thái đóng băng trong ít nhất 200 năm tới. SGSV cao 120m, dài khoảng 120m. Spitsbergen được coi là lý tưởng vì nó không có hoạt động kiến tạo và có lớp băng vĩnh cửu, hỗ trợ cho việc bảo tồn. Hầm nằm trên độ cao 130m so với mực nước biển sẽ giữ cho địa điểm luôn khô ráo ngay cả khi băng tan chảy. Than được khai thác tại chỗ cung cấp năng lượng cho các công đoạn làm lạnh giúp làm mát hạt giống theo tiêu chuẩn quốc tế quy định là âm 18⁰C.
Nghiên cứu khả thi trước khi xây dựng đã xác định, hầm có thể bảo quản hầu hết các loại hạt giống cây lương thực chính trong hàng trăm năm. Chạy dọc theo mái hầm đến lối vào được chiếu sáng nhờ kiến trúc nghệ thuật có tên Perpetual Repercussion của nghệ sĩ người Na Uy Dyveke Sanne, vào ban đêm hệ thống phát sáng trông huyền ảo và ấn tượng. Vì vậy, SGSV được ví như kiến trúc nghệ thuật đương đại. Kiến trúc được tuyển chọn từ nhiều bản thiết kế gửi đến và cuối cùng KORO (cơ quan Nhà nước Na Uy giám sát nghệ thuật trong không gian công cộng) đã chọn thiết kế của Dyveke Sanne. Mái hầm và lối vào được làm bằng thép không gỉ và kính phản chiếu ánh sáng cao. Hệ thống chiếu sáng còn được trang bị một mạng lưới 200 sợi cáp quang, tạo ra những tia sáng huyền như trắng xanh lục và xanh ngọc bích.
Ngân hàng ký gửi hạt giống
SGSV có khả năng lưu trữ 4,5 triệu loại cây trồng. Mỗi loại sẽ chứa trung bình 500 hạt, như vậy có tối đa 2,5 tỉ hạt có thể được lưu trữ trong hầm này. Hiện tại, SGSV đang lưu giữ hơn 1 triệu mẫu, xuất xứ từ hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đa dạng từ các loại lương thực chính của châu Phi và châu Á như ngô, gạo, lúa mì, đậu đũa và lúa miến đến các giống cà tím, rau diếp, lúa mạch và khoai tây của châu Âu và Nam Mỹ. Các hộp được gắn thẻ và đánh mã số để xác định ngân hàng gen nơi hạt giống gửi đến. Nhiều quốc gia trên thế giới như Nigeria, Ấn Độ, Mỹ, Peru, Triều Tiên… đã gửi hạt giống đến bảo quản trong hầm SGSV nói trên.
Mới đây, hơn 14.000 mẫu hạt giống hoa màu mới đã được thêm vào hầm. Những mẫu vật mới bao gồm một số hạt giống hoa màu cơ bản từ một bộ sưu tập ở Sudan gần như bị phá hủy do nội chiến kéo dài. Ngân hàng gen ở Sudan nằm tại thành phố Wad Medani từng có 17.000 hạt giống trong bộ sưu tập. Tuy nhiên, trong cuộc xung đột, quân lính đột kích cơ sở này khiến nhiều hạt giống bị phân tán hoặc thất lạc. Trong số hạt giống gửi ở SGSV tuần này có nhiều chủng ngũ cốc millet và cây lúa miến, loại hoa màu được trồng trong vùng suốt hàng nghìn năm, vừa là nguồn lương thực quan trọng vừa là bản sắc văn hóa.
Lô hạt giống mới cũng chứa mẫu vật đậu mèo rừng (Mucuna pruriens) đến từ Malawi. Theo Nolipher Mponya, nhà khoa học nghiên cứu nông nghiệp làm việc cho Chính phủ Malawi, việc bảo vệ hạt giống trong nước không chỉ giảm nguy cơ khủng hoảng lương thực ở cấp địa phương, vùng miền và toàn cầu, mà còn có lợi cho những loài thụ phấn, sức khỏe dân số và nền kinh tế.
Philippines cũng gửi hạt giống tới SGSV. Ngân hàng hạt giống của nước này bị tàn phá nặng nề bởi một cơn bão cấp 4 và trận cháy lớn. Philippines xếp số 1 về chỉ số rủi ro thế giới phản ánh mức độ dễ ảnh hưởng bởi sự kiện cực đoan tự nhiên. “Sự đa dạng di truyền biến mất nhanh chóng khiến công tác bảo tồn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”, nhà nghiên cứu Hidelisa De Chavez ở Đại học Philippines, chia sẻ.
Theo ông Stefan Schmitz, đại diện Crop Trust tham gia quản lý hầm, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và đa dạng sinh học ngày càng bị đe dọa khiến nhu cầu bảo tồn các giống cây trồng có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng tăng.
“Quy mô lớn của đợt bổ sung hạt giống mới đây thể hiện mối quan ngại trên khắp thế giới về tác động của biến đổi khí hậu và sự sụt giảm đa dạng sinh học liên quan đến sản xuất lương thực”, ông phân tích và cho rằng đợt bổ sung mới thể hiện cam kết toàn cầu ngày càng tăng đối với việc bảo tồn và sử dụng đa dạng các hạt giống, giúp nông dân thích nghi với điều kiện môi trường ngày càng biến đổi.
SGSV có chức năng giống một hộp ký gửi an toàn trong ngân hàng. Ngân hàng sở hữu tòa nhà và người gửi tiền sở hữu nội dung trong hộp của mình. Chính phủ Na Uy sở hữu cơ sở còn các ngân hàng gen ký gửi sở hữu hạt giống mà họ gửi. Việc gửi mẫu đến SGSV không cấu thành việc chuyển giao hợp pháp các nguồn gen. Trong thuật ngữ ngân hàng gen, quá trình thu xếp này được gọi “hộp đen”.
Mỗi người gửi mẫu đến phải ký Thỏa thuận tiền gửi với Nordgen, thay mặt cho Chính phủ Na Uy. Thỏa thuận quy định Na Uy không yêu cầu quyền sở hữu đối với các mẫu đã gửi và quyền sở hữu vẫn thuộc về người gửi, đây là pháp nhân duy nhất có quyền tiếp cận với mẫu trong kho hạt giống. SGSV đã có giao dịch kiểu này với Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế các Vùng khô hạn (ICARDA) do xung đột diễn ra tại Syria.
Biến đổi khí hậu được xem là một trong những thách thức lớn nhất đối với SGSV. Do nhiệt độ toàn cầu đang tăng nhanh khiến băng ở Bắc Cực có nguy cơ tan chảy, nhiệt độ tại Svalbard cũng đã tăng khoảng 3-5oC trong vòng 40-50 năm qua. Vì vậy người ta bắt đầu lắp đặt các thiết bị đắt tiền lên tới hàng triệu USD giúp bảo vệ lớp băng quanh hầm. Tuy gặp chút ít vật cản, nhưng SGSV vẫn đảm nhận tốt chức năng giống như một ngân hàng, thay vì gửi tiền thì người ta vẫn tiếp tục gửi mẫu hạt giống tới đây.
Theo Nordgen, nguyên tắc chính để bảo quản hạt giống ở SGSV là hạt giống được sấy khô và đông lạnh tốt để bảo đảm khả năng nảy mầm trong nhiều thế kỷ. Những hạt giống đầu tiên được SGSV tiếp nhận sẽ được thử nghiệm vào năm 2030 và sau đó cứ 12 năm lại được kiểm tra một lần cho tới năm 2120. Các kết quả và báo cáo từ dự án sẽ được công bố công khai trong cả đời dự án. Ngoài ra các quy trình và hướng dẫn quản lý bảo tồn hạt giống liên tục được cập nhật để bảo đảm tính khả thi của dự án.
“Hầm tận thế” có khả năng lưu trữ 4,5 triệu loại cây trồng. Mỗi loại sẽ chứa trung bình 500 hạt, như vậy có tối đa 2,5 tỉ hạt có thể được lưu trữ trong hầm này. Hiện tại, hầm đang lưu giữ hơn 1 triệu mẫu, xuất xứ từ hầu hết các quốc gia trên thế giới.