Theo văn bản về dự kiến Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV, căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong 1 ngày, bắt đầu từ 8 giờ thứ hai ngày 26/8/2024 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Về nhân sự, theo quy định của pháp luật, Quốc hội thực hiện bầu, phê chuẩn bổ nhiệm và miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh lãnh đạo Nhà nước.
Quốc hội sẽ tiến hành bầu, miễn nhiệm các chức danh bằng hình thức bỏ phiếu kín và sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết bằng ấn nút điện tử.
Trước đó, ngày 16/8, theo thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ.
Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định giới thiệu nhân sự và cho ý kiến để Bộ Chính trị giới thiệu nhân sự kiện toàn lãnh đạo một số cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định.
Theo Luật Tổ chức Quốc hội quy định, Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường.
Chưa tính kỳ họp thứ 8 được triệu tập, Quốc hội khóa XV đã có 7 kỳ họp bất thường, trong đó 5 kỳ được tổ chức để xem xét, quyết định nhân sự cấp cao.
Theo Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội bầu lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan quyền lực Nhà nước. Đồng thời phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Cụ thể, danh Quốc hội bầu, miễn nhiệm các chức danh, bao gồm: Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Bên cạnh đó, Quốc hội có thẩm quyền phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm với Phó thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên Chính phủ…
Sau khi được bầu, các chức danh lãnh đạo chủ chốt, bao gồm: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án TAND tối cao sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.