Không giữ “người nhà”, bỏ “người tài”

Giảm đầu mối, tinh giản biên chế là vấn đề nóng trong lúc này. Không chỉ có các cơ quan đảng, các bộ, ngành giảm đầu mối, mà ngay các tổ chức trong toàn hệ thống chính trị cũng phải tự cơ cấu lại, giảm “biên chế bên trong”. Thế là nảy sinh nỗi lo hoàn toàn chính đáng, rồi ai sẽ ở lại, ai “đi”?

Ảnh minh họa

Thời gian rất gấp, không thể chậm trễ hơn, vì liên quan đến tổ chức bộ máy, đến nhân sự chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Kế hoạch thông qua các phương án tinh gọn, sắp xếp bộ máy được tính toán đến từng ngày, từng giờ. Đây là cuộc cách mạng, là vấn đề rất lớn, nhạy cảm, đòi hỏi sự gương mẫu, hi sinh lợi ích cá nhân. Đây là việc làm vô cùng khó khăn không khác gì cầm dao rạch khối u trên cơ thể, cho nên ý chí phải mạnh, quyết tâm rất cao, “vừa chạy vừa xếp hàng”, “tất cả các hàng đều phải chạy” và “Chỉ có phép giải rút gọn mới cho đáp số vượt thời gian” như Tổng Bí thư Tô Lâm nói.

Những ngày qua, đi đến đâu cũng nghe câu hỏi: Chuyện sắp xếp đến đâu rồi; chỉ “tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ” là thế nào, không tiếp nhận con người à; sẽ giữ bao nhiêu phần trăm số người ở lại, tiêu chuẩn thế nào? Và câu hỏi băn khoăn nhất: Liệu có tình trạng giữ “người nhà”, bỏ “người tài” như đã từng xảy ra trong các lần giảm biên chế trước đây hay không?

Câu trả lời từ Bộ Nội vụ, cơ quan tham mưu trọng yếu trong công tác tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cũng như từ lãnh đạo nhiều ban Đảng, cơ quan bộ, khẳng định: Chắc chắn sẽ có chính sách mới, cụ thể, hợp lý, tính toán kỹ việc ưu tiên bố trí sử dụng người có trình độ, phẩm chất, năng lực vượt trội, người có thâm niên kinh nghiệm công tác để giữ chân người tài. Cụ thể, Bộ Nội vụ đang khẩn trương xây dựng nghị định, với cơ chế cụ thể đánh giá, lựa chọn cán bộ khi sắp xếp. Khẩn trương đánh giá tác động nhiều chiều, bảo đảm tính khả thi của chính sách sau khi ban hành.

Hỏi, “khẩn trương” là khi nào xong. Trả lời, ngay trong tháng 12/2024. Có như vậy mới có thể giải quyết một cách bài bản, đúng chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức trong bộ máy. Ai ở lại, ai có nguyện vọng, nhu cầu chuyển sang khu vực khác không phải là cơ quan Nhà nước sẽ được hưởng các quyền lợi ra sao, nhất là với những cán bộ công chức xin nghỉ việc, nghỉ hưu sớm.

Nhiều người băn khoăn, liệu dịp này có cơ chế, chính sách nào khả thi để giữ chân người tài. Vẫn là ý kiến trả lời từ Bộ Nội vụ, rằng cơ quan tham mưu đang phối hợp các cơ quan liên quan, tập hợp ý kiến, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền, từ đó sớm ban hành văn bản theo quy trình thủ tục rút gọn, sớm thông qua để triển khai thực hiện. Hết sức chú ý, bảo đảm mục tiêu tinh-gọn-mạnh; bảo đảm tính ổn định để phát triển. Không chỉ có Bộ Nội vụ mà tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị đã và đang quyết liệt trong việc sắp xếp nhân sự, bảo vệ những người có uy tín về nghề nghiệp, có kiến thức và kinh nghiệm về ngành, lĩnh vực đặc thù; bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, không để phát sinh phức tạp, nhằm giữ chân người tài. Có như vậy mới tránh được tình trạng “chạy chỗ”, “chạy” để ở lại nhờ có “ô dù”, nhờ các mối quan hệ...

Với yêu cầu giảm từ 15 đến 20% bộ máy bên trong thì số ở lại phải thật sự tiêu biểu, bảo đảm bộ máy mới hoạt động thông suốt, không bị ách tắc, tiếp tục cải tiến quy chế, quy trình hoạt động.

Cho đến nay chưa có con số thống kê đầy đủ về số cán bộ, công chức bị ảnh hưởng, phải nghỉ việc sau khi sắp xếp. Nhiều người hỏi, liệu có chính sách hưởng trợ cấp “về một cục” như trước đây chúng ta đã từng làm? Có thể coi đây là vốn liếng để đầu tư vào sản xuất, là một phần trợ cấp người lao động bớt khó khăn sau khi nghỉ việc. Vấn đề này vẫn phải chờ khi đã có khung về bộ máy thì mới có phương án điều chuyển, theo nguyên tắc người lao động gắn với nhu cầu công việc thực tế.

Cố nhiên, không phải “chờ” quá lâu. Các cơ quan, đơn vị đều đang rất khẩn trương thực hiện theo lộ trình đã ấn định. Một cuộc cách mạng tổ chức rất lớn, không thể giải quyết ngay một lúc tất cả các vấn đề từ to đến nhỏ, với nhiều hoàn cảnh, đặc thù khác nhau. Lúc này, tư tưởng thông suốt, vì lợi ích toàn cục mà hi sinh lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân là điều quyết định thành công việc cải tổ bộ máy vốn đã cồng kềnh, kém hiệu quả từ quá lâu.

Bạn đang xem bài viết Không giữ “người nhà”, bỏ “người tài” tại mục Thời sự do Tin tức Việt Nam biên tập và tổng hợp mỗi ngày.