Báo cáo hàng năm của IEA về đầu tư vào năng lượng cho thấy, các cuộc khủng hoảng năng lượng và khí hậu đã trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ carbon thấp, với tổng số tiền đầu tư năm 2023 dự kiến sẽ là 1,7 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, chỉ có khoảng 1 nghìn tỷ USD sẽ được rót vào dầu, khí đốt và than đá.
Những dòng tiền này, đi vào năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, v.v.), hạt nhân, ô tô điện, máy bơm nhiệt, v.v. sẽ tăng 24%/năm trong giai đoạn 2021-2023.
Đồng thời, lượng đầu tư dành cho hydrocarbon và than tiếp tục tăng 15% mỗi năm.
Giám đốc IEA Fatih Birol cho biết: “Năng lượng sạch đang phát triển nhanh chóng, nhanh hơn nhiều người tưởng tượng. Cứ mỗi USD đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, lại có khoảng 1,7 USD dành cho năng lượng sạch. Vào 5 năm trước, tỷ lệ đó chỉ là 1-1”.
Đặc biệt, theo Báo cáo thì “năng lượng mặt trời là ngôi sao”, ghi rõ: “Dự kiến trong năm 2023, sẽ có hơn 1 tỷ USD/ngày được đầu tư vào năng lượng mặt trời (tức 380 tỷ USD cho cả năm). Đây là lần đầu tiên số tiền này vượt mặt số tiền đầu tư vào khai thác dầu”.
Trong khi đó, đầu tư vào khai thác dầu năm 2023 (thăm dò và khai thác) dự kiến là 370 tỷ USD.
Báo cáo cũng nêu ra một ví dụ khác: Hiện nay, các công nghệ carbon thấp chi phối 90% khoản đầu tư vào hoạt động sản xuất điện trên toàn cầu.
Sự biến động của giá nhiên liệu hóa thạch, do tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine và những biện pháp hỗ trợ do Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ thực hiện, cũng đã củng cố xu hướng này.
Vua Mặt Trời và Vua Than Đá
Tuy nhiên, IEA cũng đưa ra một số cảnh báo, đầu tiên là về sự thống trị cực độ của Trung Quốc và những nền kinh tế tiên tiến khác trong phong trào này.
Mặc dù có một số điểm sáng (năng lượng mặt trời ở Ấn Độ, Brazil, Trung Đông), nhiều khoản đầu tư ở những nơi khác đang gặp khó khăn. Do đó, IEA kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động để cải thiện tình trạng này.
Ông Dave Jones – Trưởng bộ phận Xu hướng quốc tế của tổ chức tư vấn năng lượng Ember trả lời: “Năng lượng mặt trời sẽ “đăng quang” làm một siêu cường năng lượng thực sự, làm phương tiện chính để chúng ta nhanh chóng khử carbon khỏi nền kinh tế.
Chưa hết, ông nói thêm: “Điều trớ trêu ở đây, là một số nơi nhiều nắng nhất trên thế giới lại có mức đầu tư vào năng lượng mặt trời thấp nhất, đó là một vấn đề cần phải được giải quyết”.
Một nhược điểm lớn khác được IEA chỉ ra: Chi phí thăm dò và khai thác dầu khí dự kiến sẽ tăng 7% vào năm 2023 và quay trở lại mức năm 2019, làm thế giới trật khỏi lộ trình hướng tới trung hòa carbon vào giữa thế kỷ.
Vào năm 2021, IEA đã đưa ra một kịch bản về việc đạt trung hòa carbon, gây thu hút rất nhiều chú ý. Kịch bản nhấn mạnh tính cần thiết của việc từ bỏ ngay lập tức bất kỳ dự án khai thác năng lượng hóa thạch mới nào.
Để đạt trung hòa carbon, thế giới không được thải ra nhiều khí nhà kính hơn mức có thể hấp thụ. Phải như vậy, nhiệt độ toàn cầu mới không tăng quá 1,5°C, giúp tránh gây ra những tác động lớn và không thể đảo ngược.
Tuy nhiên, nhu cầu than đá năm 2022 đã đạt mức đỉnh trong lịch sử. Trong năm 2023, đầu tư vào lĩnh vực này dự kiến sẽ tăng cao gấp 6 lần so với mức khuyến nghị mà IEA đề ra cho năm 2030.
Vào năm 2022, các gã khổng lồ dầu khí đã điều hướng gần 5% chi phí sản xuất của họ vào năng lượng carbon thấp (khí sinh học, năng lượng gió, v.v.) và công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon. Theo IEA, tuy con số trên có cao hơn một chút đối với những gã khổng lồ châu Âu, nhìn chung, tỷ lệ này hầu như không tăng so với năm 2021.