Theo quy định của Bộ GD&ĐT, ngày 18/7 thí sinh sẽ biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Từ ngày 10 đến 30/7, thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường bằng phương thức thi tốt nghiệp THPT có thể xem xét đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước 17 giờ ngày 30/7.
Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, hàng loạt trường đại học tiếp tục công bố điểm chuẩn xét tuyển 2023.
Ngày 6/7, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) vừa công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn xét tuyển) theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cho 59 ngành. Theo đó, ngưỡng điểm dao động 16-19 tùy ngành, riêng nhóm ngành Khoa học sức khỏe sẽ áp dụng ngưỡng điểm do Bộ GD&ĐT quy định.
Công nghệ thông tin là ngành có mức điểm sàn xét tuyển cao nhất theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT với 19 điểm. Tiếp theo, các ngành Marketing, Digital Marketing, Truyền thông đa phương tiện, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Quản trị kinh doanh với 18 điểm.
Một số ngành khác có điểm sàn xét tuyển cao là Quan hệ công chúng, Thiết kế đồ họa, Tài chính ngân hàng, Kế toán, Thú y với 17 điểm. Tất cả ngành còn lại có mức điểm sàn xét tuyển từ 16 điểm.
Mức điểm này đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực, đối tượng và được tính như sau: Điểm đảm bảo chất lượng đầu vào = Tổng điểm thi tốt nghiệp THPT của 03 môn trong tổ hợp xét tuyển + Tổng điểm ưu tiên.
Năm nay, HUTECH dự kiến tuyển 12.500 chỉ tiêu cho 59 ngành theo 4 phương thức xét tuyển: Xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023; xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2023 của ĐHQG TPHCM; xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12; xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).
Cũng trong ngày 6/7, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Công Thương TP.HCM - HUIT (được đổi tên từ Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM - HUFI) công bố điểm chuẩn năm 2023 các phương thức xét tuyển sớm.
Ở phương thức xét học bạ, điểm chuẩn dao động từ 20-24 điểm. Ngành có điểm cao nhất là công nghệ thực phẩm, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc với 24 điểm; kế đến là marketing, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, công nghệ thông tin với 23,5 điểm.
Các ngành công nghệ kỹ thuật hóa học, công nghệ kỹ thuật môi trường, công nghệ chế tạo máy, công nghệ sinh học,… với 20 điểm.
Ở phương thức xét tuyển điểm kỳ thi đánh giá năng lực, điểm chuẩn từ 600 - 700 điểm.
Riêng phương thức xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh riêng 2023 của trường, điểm chuẩn tất cả các ngành đều 24 điểm.
Trong khi đó, điểm sàn xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT của Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM dao động từ 16 đến 19 điểm. Cụ thể, ngành có mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển cao nhất là kinh doanh quốc tế: 19 điểm.
Các ngành luật quốc tế, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ truyền thông, quan hệ quốc tế có mức điểm nhận hồ sơ là 18 điểm.
Năm nay, Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM thực hiện nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó với phương thức xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm 25% tổng chỉ tiêu, tương đương 1.653 chỉ tiêu.
Học viện Hàng không Việt Nam cũng công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các phương thức xét tuyển. Trong đó, ngành quản lý hoạt động bay có điểm sàn xét tuyển cao nhất: 20 điểm.
Các ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng, công nghệ kỹ thuật điện tử-viễn thông và công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có điểm sàn 16. Công nghệ thông tin điểm sàn 17. Các ngành còn lại có điểm sàn 18.
Điểm chuẩn vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tiếp tục ở mức cao, một số có điểm chuẩn gần tuyệt đối. Cao nhất là sư phạm hóa có điểm chuẩn 29,73 điểm, bình quân 9,91 điểm/môn mới trúng tuyển.
Tiếp đến, ngành sư phạm toán lấy 29,55 điểm, sư phạm vật lý lấy 29,5 điểm, sư phạm sinh học lấy 29,28. Các ngành sư phạm khác đa số có điểm trên 27 đến dưới 29 điểm.