Chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp chiều 12/11, đại biểu Âu Thị Mai cho rằng, việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai là vấn đề quan tâm của toàn cầu. Theo đại biểu, nhân dân và cử tri rất cảm động, đánh giá cao cách ứng phó kịp thời, hiệu quả, nhân văn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi xảy ra thiên tai, rõ nét nhất là viThuệc ứng phó với cơn bão số 3 vừa qua.
“Để kịp thời động viên tinh thần đồng bào để vượt qua khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những giải pháp trước mắt và lâu dài được cử tri và nhân dân đánh giá rất cao. Tuy nhiên, nhân dân và cử tri mong muốn Thủ tướng Chính phủ cho biết rõ hơn về những giải pháp căn cơ, dài hạn để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới”, đại biểu nhấn mạnh.
Trả lời chất vấn của Đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này, tuy nhiên, các diễn biến của thời tiết rất cực đoan, đây là vấn đề có tính chất toàn cầu, toàn dân, toàn diện, cần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, kêu gọi sự giúp đỡ, chung tay của toàn cầu để cùng thực hiện.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến chống biến đổi khí hậu, hoàn thiện thể chế phù hợp với tình hình thực tế. Trong huy động nguồn lực, cần có nguồn lực của nhà nước, nguồn lực hỗ trợ của các đối tác, nguồn vốn vay. Hiện nay, các nguồn lực đang được ưu tiên bố trí cho vấn đề này. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực quản trị trong ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao tính tự lực, tự cường của các địa phương.
Trước đó, báo cáo về vấn đề chất vấn, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vừa qua, nước ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, đặc biệt là cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đã để lại hậu quả hết sức nặng nề đối với 26 địa phương khu vực Bắc Bộ.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vào cuộc quyết liệt và triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong cơn bão số 3 vừa qua, cả hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở và toàn thể Nhân dân đã vào cuộc, chủ động ứng phó với bão từ sớm, từ xa; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã theo sát tình hình, diễn biến để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; tinh thần đại đoàn kết, tương thân tương ái, tình dân tộc, nghĩa đồng bào càng được phát huy mạnh mẽ, thể hiện bản chất tốt đẹp của Dân tộc ta, chế độ ta.
Thời gian tới, dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương theo dõi sát tình hình, chủ động triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó thiên tai, tập trung phòng, chống sạt lở, sụt lún, khô hạn, xâm nhập mặn; tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai.
Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ, trong đó bảo đảm không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở. Kịp thời hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, khôi phục và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhanh chóng phục hồi hoạt động, tạo công ăn việc làm, sinh kế ổn định cho Nhân dân.
Về lâu dài, Thủ tướng cho biết sẽ tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai, trong đó nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, chất lượng dự báo, cảnh báo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Đồng thời, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng.
Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án phòng, chống sạt lở, lũ ống, lũ quét miền Trung và miền núi phía Bắc.