Ngày 11/10 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định số 1046 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 11 tháng 10 năm 2024. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Lý giải về lí do tăng giá điện thêm gần 5%, EVN cho biết, dựa trên 3 cơ sở quan trọng để quyết định giá điện trong đợt điều chỉnh lần này.
Cụ thể, ở định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có yêu cầu "áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng" và "xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định".
Việc điều chỉnh giá bán lẻ lần này cũng được thực hiện theo Quyết định số 05/2024 ngày 26/3 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Về thực tiễn, EVN cho biết giá thành sản xuất điện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ... Các yếu tố đầu vào nêu trên khi có biến động lớn sẽ tác động lớn đến giá thành khâu phát điện (chiếm 83% giá thành) cũng như giá thành điện thương phẩm.
Theo EVN, trong năm 2023, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino dẫn tới tình hình thủy văn không thuận lợi, nước về các hồ thủy điện rất thấp nên vào thời kỳ cuối mùa khô (từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6), hầu hết hồ thủy điện lớn miền Bắc đã suy giảm về mức nước chết.
Một số tổ máy nhiệt điện lớn bị sự cố kéo dài, không đảm bảo khả dụng để huy động theo nhu cầu hệ thống. Nắng nóng diễn ra trên diện rộng và kéo dài.
Trước tình hình này, EVN phải huy động tối đa các nguồn nhiệt điện, kể cả phát dầu để đảm bảo việc cung cấp điện cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cả nước.
Tỷ trọng nguồn điện năm 2023 diễn biến theo chiều hướng bất lợi. Trong đó, các nguồn có giá mua rẻ là thủy điện giảm từ 38% xuống 30,5%, tỷ trọng các nguồn điện có giá mua đắt (nhiệt điện than) và giá mua rất đắt (nhiệt điện dầu) tăng từ 35,5% lên 43,8%.
Bên cạnh đó, nhu cầu phụ tải tăng cao qua các năm, trong khi không có nhiều công trình nguồn điện mới giá rẻ đi vào vận hành. Tổng sản lượng điện mua, nhập khẩu tại điểm giao nhận tăng thêm 11,8 tỷ kWh so với năm 2022, tương ứng mức tăng 4,6%.
Để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao trong khi các nguồn điện giá rẻ hiện hữu chỉ đáp ứng được một phần, EVN phải mua điện bổ sung từ các nguồn có giá thành sản xuất cao hơn nhiều so với giá bán lẻ điện như các nguồn nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu và nhiệt điện dầu.
Tuy nhiên, giá các loại nhiên liệu than, khí năm 2023 mặc dù giảm so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với năm 2020 và 2021.
Ngoài ra, giá than pha trộn của TKV và TCT Đông Bắc cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện vẫn duy trì ở mức cao hơn 29-35% so với năm 2021 và có sự điều chỉnh việc sử dụng than pha trộn của các nhà máy nhiệt điện từ than rẻ hơn sang than có giá cao hơn.
Mặt khác, tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh trong năm 2023 so với năm 2022 đã làm tăng chi phí mua điện từ các nguồn điện có giá mua theo hợp đồng bằng ngoại tệ (USD) hoặc giá mua nhiên liệu bằng ngoại tệ (USD).
EVN đang lỗ lớn?
Theo Bộ Công Thương, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ 34.244,96 tỷ đồng. Song do có thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423,40 tỷ đồng nên năm trước EVN ghi nhận mức lỗ 21.821,56 tỷ đồng.
Đây là năm thứ hai liên tiếp tập đoàn này lỗ sản xuất kinh doanh điện. Trước đó, năm 2022 "ông lớn" ngành điện cũng lỗ gần 36.300 tỷ đồng từ hoạt động này.
Tuy nhiên, khoản lỗ của EVN chưa gồm 18.032 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá của hợp đồng mua bán điện treo từ 2019 đến 2023.
Đầu năm nay, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết 2024 tiếp tục là năm khó khăn về tài chính, cung ứng điện với tập đoàn này nếu không có thay đổi về chính sách, giá.
Năm ngoái, sau hai lần được tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 7,5%, ông Tuấn cho biết doanh nghiệp này vẫn không đủ bù đắp chi phí sản xuất do các thông số đầu vào duy trì ở mức cao. Tổng giám đốc EVN cho biết số lỗ của tập đoàn này chủ yếu do giá bán ra vẫn thấp hơn giá thành.
Tại phiên chất vấn tháng 8, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết có thời điểm chênh lệch chi phí đầu vào và giá bán ra của EVN khoảng 208-216 đồng một kWh.
Hiện EVN và các Tổng công ty phát điện (các Genco) chiếm khoảng 37,5% nguồn điện; 62,5% còn lại phụ thuộc vào PVN, TKV và nhà đầu tư bên ngoài (BOT, tư nhân). Như vậy, tỷ trọng mua điện của EVN hiện chiếm 82% chi phí giá thành mua điện - cao gấp đôi các nước. Doanh nghiệp này còn khoảng 17% để điều tiết các khâu còn lại như truyền tải, phân phối, nên khó khăn trong tối ưu tài chính.
Theo quyết định thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ 15/5, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 xuống 3 tháng. Tức là, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá. Trong khi đó, cơ cấu biểu giá điện đang được Bộ Công Thương rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp để tăng cạnh tranh trong ngành điện.