Trong quá trình giám định xã hội đối với lĩnh vực xây dựng, nhận thấy việc xây trái phép trên đất nông nghiệp là hiện tượng rất phức tạp. Vụ việc ở Cao Lãnh, Đồng Tháp là một ví dụ. Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, trên địa bàn TP.Cao Lãnh đã mọc lên nhiều nhà hàng ẩm thực - sinh thái, quán cà phê được đầu tư xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Các công trình vi phạm cả về trật tự xây dựng lẫn quản lý đất đai, gây xôn xao dư luận phải kể đến là: Nhà hàng ẩm thực sinh thái Lộc Vừng Đỏ (Phường 3); Nhà hàng ẩm thực sinh thái Nét Quê, Karaoke Gold (Phường 4); Nhà hàng sinh thái Ven Sông Tiền và Quán Cà phê Sông Tiền (Phường 6)...
Công trình Nhà hàng ẩm thực sinh thái Lộc Vừng Đỏ tọa lạc trên đường Ngô Thị Nhậm (tổ 65, khóm Mỹ Long, Phường 3), có quy mô rộng hàng ngàn m2. Trong khu vực nhà hàng này được xây dựng rất quy mô với nhiều phòng, nhà chòi sân vườn, khu vực để xe ôtô... và nhiều công trình khác.
Được biết, Nhà hàng ẩm thực sinh thái Lộc Vừng Đỏ xây dựng không phép và đi vào hoạt động trong một thời gian dài; khu đất xây dựng nhà hàng là đất nông nghiệp. UBND Phường 3 xác nhận với báo chí việc, đã tiến hành lập biên bản vi phạm, chuyển hồ sơ về UBND TP.Cao Lãnh. Qua đó, UBND TP.Cao Lãnh đã ban hành quyết định xử phạt, chủ cơ sở vi phạm đã nộp phạt theo quy định. Nhưng đến nay vẫn chưa bị cưỡng chế, xử lý vi phạm triệt để.
Đối với công trình Nhà hàng ẩm thực sinh thái Nét Quê, địa chỉ tại số 101 Trần Thị Nhượng (Phường 4), được xây dựng với quy mô lớn, diện tích cũng lên đến hàng ngàn m2. Trên khu đất này, chủ cơ sở đã xây dựng hàng loạt nhà chòi có diện tích lớn, nhỏ khác nhau, cùng với đó là các công trình kiên cố khác phục vụ cho hoạt động của nhà hàng, có lối đi, nơi đỗ xe được bê-tông hóa... Được biết, khu đất của nhà hàng này có mục đích sử dụng cũng là đất nông nghiệp và chủ cơ sở đã xây dựng các hạng mục công trình không phép, trái phép trên đất nông nghiệp.
Cách nhà hàng Nét Quê không xa là quán Karaoke Gold cũng vi phạm cả về trật tự xây dựng lẫn quản lý đất đai. Theo tìm hiểu, cả 2 công trình này đều đã bị UBND Phường 4 lập biên bản, chuyển hồ sơ yêu cầu UBND TP.Cao Lãnh ban hành quyết định xử phạt, xử lý theo quy định. Thế nhưng đến nay, tất cả vẫn ngang nhiên tồn tại.
Một công trình hoành tráng khác gắn bảng Nhà hàng sinh thái Ven Sông Tiền (Phường 6) có diện tích rất lớn với hàng loạt công trình xây dựng kiên cố trên đất. Cạnh đó là quán cà phê Sông Tiền được xây dựng khang trang với tường rào kiên cố, mọc lên giữa vườn cây. Các công trình nêu trên đều là công trình xây dựng không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp và UBND Phường 6 đã lập biên bản, chuyển hồ sơ cho UBND TP.Cao Lãnh ban hành quyết định xử phạt, xử lý theo thẩm quyền.
Như vậy, mặc dù các công trình sai phạm phản ánh trên đều được chính quyền cơ sở cấp phường lập biên bản, chuyển hồ sơ cho UBND TP.Cao Lãnh ban hành quyết định xử phạt, xử lý theo thẩm quyền từ nhiều tháng trước. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, các công trình vi phạm cả về trật tự xây dựng và quản lý đất đai trên vẫn ngang nhiên tồn tại, chưa bị cưỡng chế tháo dỡ, xử lý vi phạm một cách triệt để, nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.
Thông tin đến báo chí, UBND TP.Cao Lãnh cho rằng, các trường hợp vi phạm nêu trên, nếu rà soát phù hợp với quy hoạch, sẽ báo cáo UBND tỉnh Đồng Tháp cho ý kiến về việc xác lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp kinh doanh, góp phần vào sự phát triển chung của Thành phố.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, UBND TP.Cao Lãnh và chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý để xảy ra hàng loạt vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, quản lý và sử dụng đất, nhưng lại xử lý không dứt điểm, sau đó chủ đầu tư nộp phạt và từ đó làm hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất (hợp thức hóa sai phạm) sẽ gây ra tiền lệ xấu trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng của Nhà nước?
Nếu “hợp thức hóa” được cho các công trình sai phép nêu trên, thì người dân xung quanh sẽ nghĩ gì và ai cấm được họ sẽ tiếp tục xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp?