Có vẻ như ông Joe Biden đã nhượng bộ trước áp lực từ các nhà bảo vệ môi trường trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, khi ông đưa ra quyết định tạm dừng xuất khẩu LNG.
Theo chính quyền Biden, Bộ Năng lượng (DOE) hiện sẽ xem xét các đơn đăng ký xuất khẩu hàng hóa thông qua lăng kính của chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu.
Các nhà phê bình cảnh báo rằng quyết định "bốc đồng" của ông Biden trong việc hạn chế bán LNG ra nước ngoài sẽ khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng và sẽ gây ra phản ứng ngược đối với các đồng minh châu Âu của Washington.
Họ ngày càng trở nên phụ thuộc vào khí đốt của Mỹ sau khi cắt đứt quan hệ năng lượng với Moscow do xung đột Ukraine và vụ tấn công phá hoại sau đó nhằm vào đường ống Nord Stream của Nga vào tháng 9/2022, bởi những thủ phạm không rõ danh tính, được cho là Mỹ và Na Uy, theo nhà báo Seymour Hersh.
Stanislav Mitrakhovich, chuyên gia hàng đầu của Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia và Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga, nói với Sputnik: “Các doanh nhân Mỹ cho rằng đây chỉ là hiện tượng tạm thời”.
Ông Mitrakhovich nói: “Họ tin rằng khi chiến dịch bầu cử kết thúc – cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 11 – họ sẽ lại có thể xin được giấy phép mới để xuất khẩu khí đốt”. "Và nếu ông Trump là Tổng thống, thì còn hơn thế nữa: sẽ được cấp lại quyền. Vì Trump và một bộ phận đáng kể lãnh đạo của Đảng Cộng hòa có quan điểm rằng năng lượng truyền thống không phải là tội lỗi của nền kinh tế, chúng cần được sử dụng tối đa để vừa thúc đẩy nền kinh tế vừa đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại”.
Tuy nhiên, các chính trị gia và doanh nghiệp châu Âu vẫn nên cảm thấy lo lắng, ông Mitrakhovich cảnh báo.
“Đối với châu Âu, những hạn chế ngắn hạn trong việc cấp giấy phép xuất khẩu mới cũng đã cho thấy Mỹ không phải là một đối tác đáng tin cậy, vì nước này có thể thao túng mọi quy tắc trong lĩnh vực kinh doanh khí đốt để đạt được các mục tiêu chính trị nội bộ", nhà bình luận nói. “Nga có lẽ nên tính đến điều này khi xem xét các kế hoạch cho lĩnh vực năng lượng ở châu Âu”.
Ông Mitrakhovich nhấn mạnh về thực tế là bất chấp các lệnh trừng phạt năng lượng mà Washington và các đồng minh áp đặt lên Nga, xuất khẩu LNG của Nga vẫn tăng đáng kể vào năm 2022 so với năm 2021. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng dù có phần khiêm tốn nhưng vẫn tương đối ổn định. Dự án Yaman LNG đã được chứng minh là có hiệu quả cao và thuận tiện cho việc vận chuyển nhiên liệu siêu lạnh đến châu Âu.
Tháng 8 năm ngoái, truyền thông châu Âu thừa nhận rằng lượng mua LNG của Nga sang Lục địa già đã tăng 39,5% so với mức trước xung đột Ukraine. Hơn nữa, Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFA), một tổ chức nghiên cứu toàn cầu, đã chỉ ra vào tháng 11 rằng, “khoảng 21% LNG của Nga hiện được các cảng EU tiếp nhận sẽ không bị ảnh hưởng bởi mục tiêu của khối về kế hoạch hạn chế nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch Nga vào năm 2027", trích dẫn kế hoạch REPowerEU.
Chuyên gia này tiếp tục: “Những quốc gia như Bỉ cho thấy tỷ lệ nhập khẩu LNG của Nga vẫn tăng đáng kể”. “Nhưng trên thực tế, Bỉ là một quốc gia, mặc dù có nền kinh tế phát triển nhưng họ không đủ năng lực công nghiệp để tiêu thụ hết lượng khí đốt này. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi khí hóa lỏng đến Bỉ, sau đó được tái hóa khí và chuyển đến Đức thông qua hệ thống ống dẫn khí từ Bỉ. Nghĩa là, Đức, mặc dù tuyên bố rằng họ không tiêu thụ khí đốt của Nga, nhưng các phân tử khí đốt của Nga đến Bỉ vẫn được Đức tiêu thụ sau đó".
Ông Mitrakhovich lập luận rằng khi Tổng thống Biden thay đổi chương trình nghị sự xanh của mình, tăng sản lượng dầu trong khi cắt giảm xuất khẩu khí đốt, thì việc châu Âu duy trì hợp tác năng lượng với Nga sẽ là điều hợp lý. Ông nhận định thương mại năng lượng đã bị chính trị hóa nặng nề ở châu Âu và gây nhiều bất lợi cho lục địa này, nơi đang chứng kiến sự suy thoái kinh tế, phi công nghiệp hóa, sản xuất giảm sút do tình trạng bất ổn về năng lượng và giá cả biến động.
“Đối với những người trực tiếp tham gia kinh doanh, lựa chọn hợp tác với Nga sẽ hợp lý hơn nhiều so với việc phụ thuộc vào Mỹ, nơi có nhiều rủi ro về quy định của chính phủ, có thể hạn làm chế nguồn cung khí đốt trong tương lai", chuyên gia giải thích.
Trung Quốc nên suy nghĩ kỹ về việc dựa vào LNG của Mỹ
Trong khi đó, quyết định của ông Biden liên quan đến nhập khẩu LNG của Mỹ có thể gián tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán của Nga với Trung Quốc về Power of Siberia 2, một đường ống được đề xuất để đưa khí đốt tự nhiên từ các mỏ trên bán đảo Yamal ở phía tây Siberia đến Trung Quốc, chuyên gia này cho biết.
“Trong tình huống này, sẽ hợp lý nếu Trung Quốc chọn giải pháp an toàn với đường ống dẫn từ Nga đi qua Mông Cổ, nơi thân thiện với cả Nga và Trung Quốc và không có rủi ro liên quan đến việc vận chuyển khí đốt bằng đường biển", ông Mitrakhovich nói. “Chưa tính đến xung đột tại đảo Đài Loan và các vấn đề khác có thể leo thang trong năm 2025. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ phải bàn về việc chấm dứt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Rất có thể, Úc sẽ ngừng cung cấp khí đốt. Nói một cách tương đối, Trung Quốc sẽ khó mua khí đốt từ Trung Đông, bởi người Mỹ có thể sử dụng khả năng hải quân của mình để ngăn chặn những nguồn cung này”.
Hiện nay, lượng nhập khẩu khí tự nhiên của Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia của Nga đang ngày càng tăng. Tháng trước, Gazprom tiết lộ trên tài khoản Telegram của mình rằng "vào ngày 23/12, công ty năng lượng đã lập kỷ lục lịch sử mới về lượng cung cấp khí đốt hàng ngày cho Trung Quốc. Yêu cầu của Trung Quốc về việc cung cấp khí đốt qua đường ống dẫn khí Power of Siberia một lần nữa vượt quá nghĩa vụ hợp đồng hàng ngày. Gazprom cũng đã cung cấp đủ số lượng được yêu cầu”.
Ông Mitrakhovich lưu ý: “Trung Quốc chỉ xem các nhà sản xuất LNG của Mỹ là vật thế chấptrong trò chơi chính trị đang diễn ra, cả trong và ngoài nước”, đồng thời ông cũng bày tỏ hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh quá trình ra quyết định liên quan đến đường ống Power of Siberia 2 của Nga.