Nord Stream 1 và Nord Stream 2 là hai đường ống dẫn khí đốt nằm dưới biển Baltic, do Tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom xây dựng. Hai đường ống này cung cấp khoảng 110 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm tới Đức.
Được biết, 3 trong số các đường ống đã bị vỡ do những vụ nổ không rõ nguyên nhân vào tháng 9/2022 và một trong các đường ống từ Nord Stream 2 vẫn còn nguyên vẹn.
Nhưng căng thẳng ngày càng leo thang giữa Moscow và phương Tây về việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã làm tê liệt hoạt động của Nord Stream 1 và khiến đường ống Nord Stream 2 cũng không thể hoạt động song song. Trong khi Đức ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga.
Gazprom cho biết, nếu xét về mặt kỹ thuật thì có thể sửa chữa các đường ống bị hỏng, nhưng hai nguồn tin quen thuộc tiết lộ Moscow có rất ít khả năng cải thiện mối quan hệ với phương Tây trong tương lai gần, nên các đường ống này không cần thiết dùng nữa.
Châu Âu đã cắt giảm đáng kể việc nhập khẩu năng lượng từ Nga trong năm qua, trong khi xuất khẩu của Gazprom ra bên ngoài Liên Xô cũ giảm gần một nửa, xuống còn 101 tỷ mét khối vào năm 2022. Đây là mức thấp nhất thời hậu Xô Viết.
Một nguồn tin tiết lộ Nga coi dự án Nord Stream đã “bị chôn vùi”. Mặc dù không có kế hoạch sửa chữa các đường ống bị vỡ, nhưng các ống dẫn sẽ được bảo quản cẩn thận để tái sử dụng trong tương lai.
Nhiều khả năng Nga sẽ bịt các đầu đường ống bị vỡ và bổ sung lớp phủ để tránh nước biển ăn mòn thêm.
Một trong những nguồn tin của Nga cho biết nếu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển bằng đường biển từ Mỹ mà châu Âu đang dùng để bù đắp một phần nguồn cung từ Nga trở nên đắt hơn nhiều, thì châu Âu có thể sẵn sàng mua thêm khí đốt từ Nga.
Bộ Năng lượng Moscow đã chuyển tiếp vấn đề tới các nhà điều hành Nord Stream, nhưng cả họ và Gazprom đều không bình luận gì.
Engie, Gasunie và Wintershall DEA - các bên liên quan của Nord Stream AG, đơn vị điều hành Nord Stream 1 - cũng từ chối bình luận.
Người phát ngôn của nhà điều hành mạng lưới năng lượng lớn nhất châu Âu E.ON của Đức (công ty cũng sở hữu cổ phần của Nord Stream AG) cho biết: “Theo hiểu biết của chúng tôi với tư cách là một cổ đông thiểu số, không có quyết định nào được đưa ra, dù ủng hộ hay phản đối việc khôi phục đường ống”.
AI PHÁ HOẠI ĐƯỜNG ỐNG?
Moscow khẳng định phương Tây đứng sau các vụ nổ đường ống Nord Stream nhưng không cung cấp được bằng chứng. Tháng trước, nhà báo Mỹ Seymour Hersh cáo buộc Washington đứng sau các vụ nổ và phải chịu trách nhiệm vì hành vi này. Phía Nhà Trắng cho rằng thông tin bài đăng trên blog của ông “hoàn toàn hư cấu”.
Trong khi đó các cuộc điều tra vụ phá hoại nhằm vào Nord Stream của giới chức Đan Mạch, Đức và Thụy Điển vẫn chưa hoàn thành.
Được biết Nord Stream 1 đã ngừng hoạt động kể từ cuối tháng 8/2023 để bảo trì, tuy nhiên đường ống này chưa bao giờ được khởi động lại do Nga và phương Tây tranh cãi về việc việc bảo dưỡng một tuabin trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nord Stream 2 có quy mô tương tự đã được hoàn thành vào tháng 9/2021 nhưng chưa được đưa vào vận hành do tình hình căng thẳng với Nga ngày càng leo thang, đồng thời gặp rắc rối khi các cơ quan quản lý của Đức từ chối chứng nhận nó. Berlin sau đó đã đóng băng dự án vào vài ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2/2022.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất sử dụng phần đường ống Nord Stream 2 chưa bị hư hại để bơm khí đốt, tuy nhiên Đức đã bác bỏ ý tưởng này vì hiện tại nước này muốn chấm dứt phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Được biết Ba Lan cũng đã ngừng mua khí đốt của Nga.
Hiện tại, Nga chỉ xuất khẩu khoảng 40 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày bằng đường ống tới châu Âu, qua Sudzha, tại biên giới Ukraine-Slovakia.
Thứ Sáu (3/3), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow hy vọng thiết lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ để thay thế tuyến đường Baltic và sẽ không còn phụ thuộc vào phương Tây như một đối tác năng lượng.