Tờ Washington Post hôm thứ Năm tuần trước đưa tin rằng vào tháng 4 tại Mar-a-Lago, cựu Tổng thống Mỹ đã hứa với các CEO dầu mỏ rằng sẽ hủy bỏ hàng chục biện pháp môi trường của chính quyền Biden, yêu cầu các công ty vận động 1 tỷ USD để giúp ông trở lại Nhà Trắng. Ông Trump nói với các CEO rằng 1 tỷ USD sẽ chẳng là gì so với số tiền họ tiết kiệm được nhờ các quy định mà ông sẽ cắt giảm nếu tái đắc cử.
Thông tin này được đưa ra một ngày sau khi Politico nói chuyện với một số luật sư và nhà vận động hành lang trong ngành nhiên liệu hóa thạch, những người cho biết các yêu cầu đang được soạn thảo trong trường hợp ông Trump tái đắc cử. Mục tiêu của các yêu cầu này là hủy bỏ một số quy định về môi trường tiến bộ nhất của chính quyền Biden, chẳng hạn như tạm dừng cấp giấy phép xuất khẩu khí đốt tự nhiên, cắt giảm lượng khí thải carbon từ phương tiện giao thông và trừng phạt các công ty khí đốt vì rò rỉ khí mê-tan.
Frank Maisano, CEO của công ty quan hệ chính phủ Bracewell, nói với Politico rằng “ngoài những gì ông Donald Trump đã hứa, tôi không nghĩ chiến dịch tái tranh cử của ông có ích cho chiến lược năng lượng sạch”. Trong khi cựu Tổng thống thường xuyên phàn nàn về giá xăng và chế giễu các sáng kiến năng lượng sạch tại các cuộc vận động tranh cử của mình, thì mặt khác, ông lại không thảo luận về chính sách môi trường.
Theo Stephen Brown, cựu nhà vận động hành lang và CEO công ty tư vấn năng lượng RBJ Strategies, các luật sư trong ngành dầu mỏ đã soạn thảo các yêu cầu hủy bỏ các chính sách của ông Biden nếu ông Trump được quay lại Nhà Trắng.
Brown nói với Politico: “Bạn sẽ thấy rất nhiều quy định của chính quyền Biden được đưa ra trong 6 tháng qua được điều chỉnh bằng cách này hay cách khác”.
Trang Agenda 47, tuyên bố ông Trump muốn tiếp tục khoan dầu để tăng sản lượng dầu và khí đốt tự nhiên trong nước nhằm giảm chi phí năng lượng tiêu dùng, bất kể tác động đến môi trường. Trang này cũng tuyên bố, “ông Trump sẽ một lần nữa đưa Mỹ thoát khỏi Hiệp định Khí hậu Paris đầy bất công”, đề cập đến Thỏa thuận Paris năm 2015 đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2°C và hướng tới giới hạn 1,5°C.
Một cuộc thăm dò do The Guardian công bố, bao gồm câu trả lời từ 380 trong số 843 nhà khoa học khí hậu với Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu, cho thấy hơn 3/4 tin rằng nước Mỹ sẽ không những không đạt được mà còn cách xa mục tiêu về khí hậu.
Chỉ có 22 trong số 380 chuyên gia, khoảng 6%, cho biết họ dự báo nhiệt độ toàn cầu sẽ duy trì ở mức 1,5°C, mức được chọn làm mục tiêu nhằm tránh những hậu quả thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, 77% các nhà khoa học được khảo sát dự báo Trái đất sẽ duy trì tốc độ nóng lên từ 2,5°C trở lên vào năm 2100, điều này có thể gây ra nạn đói, lũ lụt, cháy rừng và các thảm họa thiên nhiên khác trên diện rộng trên toàn thế giới, buộc hàng triệu người phải trở thành người tị nạn khí hậu.
Cuộc thăm dò cũng hỏi các nhà khoa học tại sao cho rằng phản ứng toàn cầu đối với biến đổi khí hậu sẽ không đạt được các mục tiêu đã nêu. Gần 75% cho rằng thiếu ý chí chính trị, trong khi 60% cho rằng lợi ích doanh nghiệp được đảm bảo - chẳng hạn như ngành dầu khí đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.