Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 5 ngày nghỉ lễ, công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch trên phạm vi toàn quốc đạt khoảng 60%, trong những ngày cao điểm đạt trên 70%, một số điểm đến ven biển đạt tỷ lệ lấp đầy 95-100% trong thời gian nghỉ lễ.
Hầu hết các địa bàn du lịch trọng điểm trên cả nước đã ghi nhận những tín hiệu tích cực với lượng khách tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Thời gian nghỉ dài cùng thời tiết nắng nóng nên các địa phương có điểm du lịch biển được đặc biệt ưa chuộng.
Tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương đón lượt khách du lịch cao nhất trong dịp lễ vừa qua khi phục vụ khoảng 1,52 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 3.805 tỷ đồng (tăng 32,8%) so cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh Thanh Hóa, Quảng Ninh cũng là địa phương đón trên 1 triệu lượt khách trong cả dịp lễ. Toàn tỉnh đón gần 1,02 triệu lượt khách, tăng 48% với tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 2.210 tỷ đồng (tăng 53%) so cùng kỳ năm ngoái; tỉnh Khánh Hòa phục vụ khoảng 969.950 lượt khách (tăng 21,5%), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 1.306,7 tỷ đồng (tăng 53%); TP. Hồ Chí Minh phục vụ khoảng 969.000 lượt khách (tăng 2%), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 3.235 tỷ đồng (tăng 3,4%); tỉnh Nghệ An phục vụ khoảng 950.000 lượt khách (tăng 22%), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng hơn 1.700 tỷ đồng.
Hà Nội phục vụ khoảng 737.900 lượt khách (tăng 4%), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 2.500 tỷ đồng (tăng gần 10%); Đà Nẵng phục vụ khoảng 336.000 lượt khách (tăng 11,6%), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 1.3360 tỷ đồng (tăng 12,7%). Bên cạnh đó, một số địa phương như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Điện Biên… cũng thu hút đông đảo khách du lịch đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng trong đợt nghỉ lễ vừa qua.
Nhìn chung, kỳ nghỉ lễ năm nay kéo dài 5 ngày nên hầu hết các điểm đến đã đón lượng khách nhiều hơn và thời gian lưu trú dài hơn. Doanh thu cũng tăng cao hơn so cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, giá phòng và các dịch vụ du lịch không có nhiều biến động lớn. Tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm đến được bảo đảm.
Đặc biệt, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTT&DL đề nghị triển khai hoạt động kích cầu du lịch nội địa năm 2024 với chủ đề "Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu" để đón đầu kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 01/5 và mùa du lịch hè 2024.
Hoạt động du lịch tại các địa phương cũng đã được chuẩn bị chu đáo ngay từ trước nghỉ lễ, nhiều hoạt động kích cầu du lịch, giảm giá, khuyến mại sản phẩm đã được triển khai, tiêu biểu là Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội, Chương trình kích cầu thu hút khách du lịch 2024 "Quảng Nam - Miền xanh Di sản"; Sun World Hon Thom áp dụng ưu đãi mua vé cáp treo được tặng vé tham quan Cầu Hôn, giảm 15% giá vé show diễn Nụ hôn của biển cả và tặng kèm vé Cầu Hôn; Charm Resort Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) mở cửa đón khách miễn phí...
Các hoạt động lễ hội, sự kiện để tạo điểm nhấn thu hút du khách cũng được các địa phương triển khai tích cực, sôi động, tổ chức đa dạng các hoạt động, sự kiện văn hóa, lễ hội, chương trình nghệ thuật như "Khai trương mùa du lịch Biển Đà Nẵng 2024" với chủ đề "Sóng mùa hè"; "Liên hoan Du lịch 2024 "Đồ Sơn - Điểm đến 4 mùa"; Lễ khai trương du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024; Tuần Văn hóa Du lịch tỉnh Bắc Kạn năm 2024; Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024; Lễ hội hoa hồng Fansipan…
Sản phẩm du lịch cũng được tung ra đầy hấp dẫn, mới mẻ bên cạnh việc làm mới các sản phẩm truyền thống như Hành trình đêm Đà Lạt" (Lâm Đồng); tour đêm đền Hùng (Phú Thọ); "Một hành trình - nhiều trải nghiệm" của Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh; Công viên nước Thủy Tinh, Công viên ánh sáng (Đồ Sơn, Hải Phòng); Bộ sản phẩm liên vận tàu hỏa 5 sao với chủ đề "Hành trình kết nối di sản" Huế - Đà Nẵng của Vietravel; Tour "du lịch trải nghiệm sông Hồng", Con đường di sản Nam Thăng Long (Hà Nội)…
Dịp lễ năm nay cũng ghi nhận sự gia tăng của xu hướng du khách tự lái xe tới điểm đến trong bán kính gần để có thể tự do khám phá, trải nghiệm và tăng tính chủ động xuyên suốt hành trình.