Theo đó, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định tại Điều 21 của Luật này, nếu không hưởng BHXH một lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hàng tháng từ chính khoản đóng góp của mình.
Thời gian hưởng mức hưởng trợ cấp hàng tháng được xác định căn cứ vào thời gian đóng, căn cứ đóng BHXH của người lao động. Mức trợ cấp hàng tháng thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội.
Trường hợp tổng số tiền tính theo thời gian đóng, căn cứ đóng BHXH của người lao động cao hơn số tiền tính mức trợ cấp hàng tháng bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội tại thời điểm giải quyết hưởng cho khoảng thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì người lao động được tính để hưởng trợ cấp hàng tháng với mức cao hơn.
Trong trường hợp tổng số tiền tính theo thời gian đóng, căn cứ đóng BHXH không đủ để người lao động hưởng trợ cấp hàng tháng cho đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nếu người lao động có nguyện vọng thì được đóng một lần cho phần còn thiếu để hưởng cho đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Mức trợ cấp hàng tháng được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và quỹ BHXH.
Trường hợp người đang trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế.