Đơn cử sản phẩm lê Hàn Quốc, một trong những loại hoa quả nhập khẩu rất được người dân Việt Nam ưa chuộng, và vì thế thường bị trà trộn bởi lê Trung Quốc. Những loại lê này được gắn tem mác có chữ tiếng Hàn, khiến người dân dễ dàng tin tưởng mà không cần kiểm chứng.
Mới đây Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên vừa kịp thời ngăn chặn phương tiện vận chuyển hơn 1 tấn hoa quả nhập lậu. Số hoa quả nhập lậu được vận chuyển trên xe ôtô mang BKS 20C-187.xx do ông H.S.B là lái xe kiêm chủ hàng.
Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện trên thùng xe có 105 thùng lê tươi loại 10kg/thùng có nhãn hàng hóa bằng tiếng nước ngoài không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, trên nhãn hàng hóa có dòng chữ thể hiện số lê này có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Làm việc với đoàn kiểm tra, ông H.S.B không xuất trình được bất kỳ hóa đơn chứng từ gì liên quan chứng minh nguồn gốc hợp pháp của toàn bộ số hàng hóa trên.
Đoàn kiểm tra đã trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt đối với ông H.S.B với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên theo đúng quy định pháp luật.
Còn nhớ năm 2023, hành vi gian dối về nguồn gốc xuất xứ lê Hàn Quốc của các cửa hàng bán trái cây nhập khẩu liên tục bị lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội làm rõ khi tiến hành kiểm tra. Cụ thể, tại địa điểm kinh doanh 97 Trần Duy Hưng thuộc Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Kenlyver, địa chỉ phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, rất nhiều các loại lê được trưng bày để bán trong các tủ bảo quản hàng hóa.
Giới thiệu với khách hàng, nhân viên tại đây cho biết, đối với mặt hàng lê, tại cửa hàng 97 Trần Duy Hưng có 2 loại chính là “lê sữa” và “lê nâu” đều có xuất xứ chính hãng từ Hàn Quốc. Tùy từng sản phẩm, mỗi loại có mức giá khác nhau, trung bình từ 169.000 - 250.000 đồng/kg. Đại diện cơ sở cũng không quên “cam đoan” với khách hàng về nguồn gốc xuất xứ chính hãng của sản phẩm này.
Tuy nhiên, khi Đội QLTT số 13, Cục QLTT thành phố Hà Nội có mặt kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh từ chối trả lời các câu hỏi của lực lượng chức năng, bởi lý do “chỉ trông hộ cửa hàng”. Khi các chứng cứ được lực lượng QLTT thành phố Hà Nội đưa ra khá thuyết phục bởi vỏ ngoài hộp của những quả lê được giới thiệu là “xuất xứ Hàn Quốc” kia lại mang dòng chữ “Made in China”, nhân viên ở đây mới thừa nhận “cái này là lê tàu” và các sản phẩm đăng bán tại cửa hàng là “bị vào nhầm mã” chứ không phải là lê Hàn Quốc như trong các hóa đơn đã xuất.
Theo quy định, trái cây nhập khẩu phải có thông tin về xuất xứ, giấy chứng nhận kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, hóa đơn, chứng từ mua, bán trái cây để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc. Thế nhưng hiện nay tình trạng hoa quả không bảo đảm chất lượng, giả mạo xuất xứ vẫn tràn lan trên thị trường bởi người bán hiểu rõ tâm lý người mua. Hơn thế vì lợi nhuận thu được từ “mác” hàng nhập khẩu quá lớn và dễ tiêu thụ nên nhiều cơ sở bán hàng đã sử dụng chiêu trò nguỵ trang tem mác, mặc dù biết là sản phẩm không rõ nguồn gốc, hoặc không bảo đảm chất lượng, nhưng vì chạy theo lợi nhuận cho nên cố tình bán các sản phẩm này cho người dân.
Theo Tổng cục QLTT, tình trạng giả nhãn hiệu, nhái thương hiệu hoặc mượn chi tiết hình ảnh của các thương nổi tiếng đã được bảo hộ là những vi phạm phổ biến nhất hiện nay đối với các hàng hóa đang lưu thông tại thị trường Việt Nam. Đáng chú ý, là tình trạng giả mạo xuất xứ trên các sản phẩm hoa quả nhập ngoại như lê, táo… đang rất phổ biến.
Để lành mạnh hóa thị trường hoa quả, bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng, cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025”, các ngành chức năng cần tăng cường các biện pháp trong việc kiểm soát chặt chẽ mặt hàng hoa quả nhập khẩu; có hình thức xử phạt đủ sức răn đe đối với các trường hợp thay đổi nhãn mác, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cũng nên trang bị những nhận biết đầy đủ về tem mác với hàng hóa nhập khẩu, lựa chọn các cửa hàng uy tín để tránh mua phải hàng hoá không rõ xuất xứ, nguồn gốc, bảo đảm chất lượng, bảo vệ sức khỏe của chính mình và cả cộng đồng.