Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30/6 ký sắc lệnh thành lập một công ty mới tiếp quản tất cả các quyền và nghĩa vụ của Công ty Đầu tư Năng lượng Sakhalin, tập đoàn điều hành và phát triển dự án dầu khí Sakhalin-2.
Hai công ty thương mại Mitsui và Misubishi của Nhật Bản lần lượt sở hữu 12,5% và 10% cổ phần trong dự án Sakhalin-2, nhưng tương lai các khoản đầu tư này trở nên bất định sau sắc lệnh của Moskva, bởi trong đó quy định cổ đông nước ngoài có được phép tiếp tục đầu tư hay không tùy thuộc vào chính phủ Nga.
"Chúng tôi tin rằng lợi ích tài nguyên của Nhật Bản không được phép bị tổn hại", phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Seiji Kihara hôm nay tuyên bố, nói thêm Tokyo đang "giám sát chặt chẽ tác động của nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG)".
Nhật Bản, quốc gia nghèo tài nguyên năng lượng, phụ thuộc lớn vào khí hóa lỏng nhập khẩu và trước đó tuyên bố không rút khỏi dự án Sakhalin-2 dù tham gia các lệnh trừng phạt năng lượng do phương Tây áp đặt lên Nga.
Moskva tuyên bố sắc lệnh mới là phản ứng trước "những hành động không thân thiện" của các nước đang áp đặt "biện pháp hạn chế" lên Nga vì xung đột Ukraine. Sắc lệnh cũng cảnh báo chính phủ Nga sẽ "kiểm toán tài chính, môi trường và kỹ thuật" với các bên nước ngoài liên quan và xác định bất kỳ "thiệt hại nào" do họ gây ra để yêu cầu bồi thường.
Phát ngôn viên của Mitsubishi và Mitsui cho hay hai công ty đang xem xét chi tiết của sắc lệnh và phối hợp cùng chính phủ. Một cổ đông lớn khác của dự án là tập đoàn dầu khí Shell đã cam kết bán 27,5% cổ phần.
Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu một phần do nhiều lò phản ứng hạt nhân ngừng hoạt động sau thảm họa Fukushima năm 2011.
Nga cung cấp gần 9% nhu cầu LNG của Nhật Bản, còn Australia chiếm 40% thị trường Nhật Bản. Quốc gia Đông Á đang vật lộn với tình trạng thiếu điện gia tăng giữa đợt nắng nóng cao điểm. Chính phủ nhiều lần cảnh báo tình trạng thiếu điện ở Tokyo. Thành phố hôm nay bước vào giai đoạn yêu cầu cư dân cắt giảm sử dụng điện trong vòng ba tháng.