Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2023. Thủ tướng lưu ý rõ, trong báo cáo này phải có nội dung nghiên cứu thí điểm giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện triển khai dự án điện gió ngoài khơi theo kết luận của Thường trực Chính phủ tại thông báo 64/TB-VPCP ngày 1/5/2023.
Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách huy động vốn, bố trí nguồn lực thực hiện Quy hoạch Điện VIII, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8/2023. Đồng thời nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách thực hiện Quy hoạch Điện VIII, nhất là cơ chế đấu thầu, đấu giá phù hợp quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng cùng với đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp, hoàn thành trong tháng 6/2023.
Bộ Công Thương nghiên cứu, ban hành quy định khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán/áp mái với mục đích tự sản, tự tiêu, trong đó có các cơ chế kiểm tra, giám sát để phòng ngừa hành vi trục lợi, tiêu cực, báo cáo trong tháng 6/2023.
Nga và Trung Quốc chiếm 70% số lò phản ứng hạt nhân mới toàn cầu
Theo thống kê của Nikkei Asia, Trung Quốc đang chiếm số lượng lớn nhất là 46 lò phản ứng đang được xây dựng hoặc đang được lên kế hoạch trong khi con số này của Nga là 30, khiến 2 nước này chiếm tổng cộng 69% lò phản ứng mới của thế giới. Đặc biệt, 33 trong số các lò phản ứng của 2 nước này đang được xây dựng hoặc lên kế hoạch ở nước ngoài.
Cụ thể, Nga hiện sở hữu 19 lò phản ứng ở nước ngoài, chiếm số lượng lớn nhất trên thế giới bất chấp sự phản ứng ngày càng gia tăng của Mỹ và các quốc gia châu Âu sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine của nước này được khởi động. Trên phạm vi thế giới, ngành năng lượng hạt nhân của Nga vẫn duy trì vị thế thống trị.
Về phía Trung Quốc, nước này cũng tăng cường sự hiện diện của mình trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân trên thế giới, đặc biệt là tại Pakistan. Hồi tháng 5 vừa qua, Cơ quan quản lý hạt nhân Pakistan đã cấp giấy phép hoạt động cho lò phản ứng tổ máy số 3 của nhà máy điện hạt nhân Karachi.
Iraq thanh toán khoản nợ năng lượng trị giá 2,76 tỷ USD cho Iran
Ngày 10/6, Iraq đã đồng ý trả các khoản nợ về khí đốt và điện lên đến 2,76 tỷ USD cho Iran sau khi Baghdad được Mỹ miễn trừng phạt đối với các khoản ngoại tệ của Baghdad đang bị phong tỏa, cho phép nước này sử dụng để thanh toán các khoản nợ mua năng lượng từ Tehran.
Sau nhiều năm chìm trong chiến tranh, xung đột, Iraq từ một quốc gia xuất khẩu dầu khí lớn đã phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu năng lượng từ nước láng giềng Iran, chủ yếu là khí đốt để phát điện và điện lưới.
Tuy nhiên, việc Mỹ trừng phạt lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Tehran đã khiến Iraq gặp khó khăn trong thanh toán các khoản nợ cho Iran, dẫn đến việc các khoản tồn đọng ngày càng tăng cao và phía Tehran đã trả đũa bằng cách cắt giảm nguồn cung khí đốt.
Jordan và Ai Cập hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng khí đốt
Ngày 10/6, Bộ trưởng Năng lượng Ai Cập Tarek El-Molla và người đồng cấp Jordan Saleh Kharabsheh đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng khí đốt.
Hai bên nhất trí Ai Cập sẽ sử dụng tàu chứa nổi đặt tại cảng Sheikh Sabah Al-Ahmad ở vịnh Aqaba của Jordan để xử lý khí đốt. Đổi lại, Jordan sẽ nhận khí tự nhiên hóa lỏng từ Ai Cập và khi cần thiết sẽ bơm lại một phần khí tự nhiên thông qua các đường ống hiện có giữa hai quốc gia.
Tháng 1 vừa qua, Ai Cập và Jordan cũng đã ký thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên cho thành phố công nghiệp Quweira ở vịnh Aqaba của Jordan.
Niger nỗ lực thúc đẩy điện khí hóa cho các vùng nông thôn nghèo
Ngày 10/6, Bộ trưởng Năng lượng và năng lượng tái tạo của Niger Ibrahim Yacoubou cho biết, chính phủ nước này đặt mục tiêu điện khí hóa tất cả các ngôi làng có hơn 1.000 cư dân nhằm tăng khả năng tiếp cận năng lượng cho người dân.
Niger là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiếp cận điện năng thấp cũng như có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn. Hiện tại, chỉ khoảng 20% dân số ở thành thị và dưới 5% dân số ở nông thôn có điện để sử dụng.
Năm 2018, chính phủ Nigeria đã lập Dự án điện khí hóa Nigeria (NEP), trong đó có cơ chế tài trợ để khuyến khích các nhà phát triển lưới điện nhỏ ở khu vực tư nhân tham gia vào thị trường. Gần đây, NEP đã được mở rộng thêm, tạo điều kiện để các công ty năng lượng tái tạo mở rộng thị phần, từ đó thúc đẩy việc điện khí hóa nông thôn.