Cũng có thể hiểu TNTT là những sự việc xảy ra bất ngờ, gây tổn thương đến sức khỏe thể chất và tinh thần cho người bị nạn, trường hợp nặng có thể tử vong.
Trẻ em mầm non, học sinh rất dễ bị TNTT bởi vì ở lứa tuổi này trẻ thường hiếu động, thích tò mò, khám phá, chinh phục thử thách, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh
TNTT gây nên do có sự cố ý của người bị tai nạn hay của cả người khác (tự tử, giết người, đánh nhau) được gọi là TNTT có chủ động. Những TNTT gây nên do sự không chú ý của những người bị TNTT hay của những người khác được gọi là TNTT . Ở trẻ em, học sinh rât hay gặp loại TNTT không chủ động.
Thực trạng TNTT trẻ em trên thế giới và ở Việt Nam
Theo tổ chức Y tế thế giới tai nạn thương tích là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng thương tật và thương vong, đây là vấn đề nghiêm trọng của sức khỏe cộng đồng trên thế giới.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có trên 5 triệu trường hợp tử vong, hàng chục triệu người bị thương do tai nạn thương tích trên toàn thế giới. Mỗi năm có tới trên 1,2 triệu trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, trên 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước. Trên 2/3 số trường hợp đó xảy ra tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trung bình mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900 ngàn trẻ em và trẻ vị thành niên thuộc tuổi học sinh bị tử vong do tai nạn thương tích (TNTT), trong đó có 90% bị TNTT bất ngờ không chủ ý. Các TNTT này xảy ra ngay ở trường học hoặc trên đường đến trường.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, tai nạn thương tích cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mắc và tử vong ở trẻ em và vị thành niên dưới 19 tuổi. Trung bình một năm có 334.471 trường hợp trẻ em và vị thành niên mắc tai nạn thương tích và 7.187 trường hợp tử vong. Tỷ suất tử vong trung bình/năm là 23,01/100.000 trẻ em và vị thành viên, chiếm 20,03% tổng số tử vong do TNTT trên toàn quốc. Trong đó, tử vong trẻ em nhóm 0-4 tuổi chiếm 23,65%; từ 5-9 tuổi chiếm 17,22%; từ 10-14 tuổi chiếm 18,86%; 15-19 tuổi chiếm 40,28%
Các yếu tố nguy cơ gây TNTT ở trẻ em mầm non và học sinh
Các yếu tố nguy cơ gây TNTT có thể chia thành 3 nhóm:
1 - Yếu tố xã hội:
Trước đây TNTT ở trẻ em hay gặp ở các nước công nghiệp phát triển. Hiện nay, TNTT ở trẻ em các nước đang phát triển được coi là hậu quả không thể tránh khỏi do sự gia tăng cơ giới hóa phương tiện giao thông, đô thị hóa và sự thay dổi công nghệ,v.v. Những nước điều kiện kinh tế xã hội còn thấp thường dễ bị một số nguy cơ TNTT do lửa, đánh nhau, bạo lực học đường..
2 - Yếu tố con người: TNTT thường phụ thuộc vào các yếu tố sau:
+ Đặc điểm giới: Thông thường nam giới có nguy cơ gây TNTT cao hơn nữ giới. Các TNTT do điện giật, đánh nhau, tai nạn giao thông là nguyên nhân thường gặp ở trẻ em trai, còn trẻ em gái hay gặp TNTT như bỏng lửa, ngộ độc.
+ Đặc điểm lứa tuổi: Trẻ dưới 5 tuổi thường hay gặp các nguy cơ gây TNTT ngay trong nhà ở của mình như dị vật rơi vào đường tiêu hóa, đường thở, ngã, điện giật. Trẻ từ 6 đến 13 tuổi thường bị ngã, đuối nước, điện giật, động vật cắn. Trẻ tứ 13 đến 18 tuổi thường hay bị tai nạn giao thông, đuối nước, vật sắc nhọn, ngộ độc, đánh nhau..
+ Đặc điểm do nhận thức, hành vi: Những trẻ không được giáo dục về an toàn, cũng như người lớn không hiểu biết về các yếu tố nguy cơ sẽ rất dễ gây ra TNTT cho trẻ em.
+Tình trạng sức khỏe: Trẻ em, người lớn bị rối loạn tâm thần có nguy cơ bị và gây TNTT do bỏng, đánh nhau, chết đuối, ngộ độc.
+ Sử dụng các chất gây kích thích: Trẻ en và người lớn sử dụng rượu bia, ma túy có nguy cơ cao với TNTT do lửa, ngã, đánh nhau, tai nạn giao thông.
3 - Yếu tố môi trường:
+ Môi trường vật chất:
- Các yếu tố nguy cơ thường gặp ở nhà như ổ cắm điện, cầu dao, dao kéo, thuốc trừ sâu, động vật cắn, bếp lửa.
- Các yếu tố nguy cơ thường gặp ở trường học như ngã, ngộ độc thực phẩm, chấn thương do bàn ghế bị hỏng nhưng chưa kịp thời sửa chữa,..
- Các yếu tố nguy cơ thường gặp ở cộng đồng như đuối nước do nhiều ao hồ, sông suối, tai nạn giao thông do cơ sở hạ tầng đường giao thông xuống cấp, không sữa chữa kịp thời.
+ Môi trường phi vật thể:
- Văn bản pháp luật liên quan đến an toàn, phòng chống TNTT chưa đồng bộ.
- Việc thực thi các quy định, luật an toàn chưa tốt, chưa có các biện pháp thực hiện đầy đủ, chưa kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử phạt rõ ràng.
- Giáo dục về an toàn, phòng tranh TNTT chưa thực hiện đầy đủ ở gia đình và nhà trường, nhận thức còn hạn chế.
Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em mầm non và học sinh
- Nguyên tắc và mục đích phòng tránh TNTT
+ Phòng tránh chủ động:
Muốn phòng tránh chủ động TNTT đòi hỏi phải có sự tham gia và hợp tác của đối tượng cần được bảo vệ đó là trẻ em mầm non và học sinh. Hiệu quả của việc phòng tránh TNTT phụ thuộc vào việc các em có kỹ năng thực hiện các biện pháp phòng tránh hay không.
Mục đích của phòng tránh chủ động là giáo dục thay đổi hành vi của trẻ em, học sinh để các em tự giác thực hiện các quy định, nội quy của nhà trường trong phòng tránh TNTT.
+ Phòng tránh thụ động:
Phòng tránh thụ động là biện pháp có hiệu quả nhất trong kiểm soát TNTT. Biện pháp này không đòi hỏi phải có sự tham gia của đối tượng cần được bảo vệ. Nhà trường phải phát hiện các yếu tố nguy cơ có thể gây ra TNTT và có các biện pháp để ngăn ngừa kịp thời.
Mục đích của phòng tránh thụ động là làm thay đổi môi trường, phương tiện được sử dụng có thể gây TNTT cho trẻ em, học sinh.
-Các cấp độ phòng tránh TNTT:
+ Dự phòng cấp độ 1: Dự phòng trước khi tai nạn xảy ra
Dự phòng để không xẩy ra TNTT bằng cách loại bỏ các yếu tố nguy cơ hoặc không tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây TNTT. Ví dụ: Nhà trường yêu cầu học sinh thực hiện nghiêm chỉnh nội quy phòng thí nghiệm, sử dụng các phương tiện, thiết bị an toàn khi tập thể dục, chơi thể thao, khi cho trẻ chơi ngoài trời..
+ Dự phòng cấp độ II: Dự phòng trong khi tai nạn xảy ra
Dự phòng để làm giảm mức độ nghiêm trọng của thương tích khi tai nạn xảy ra. Ví dụ: Đội mũ bảo hiểm để đề phòng chấn thương sọ não khi tai nạn giao thông xẩy ra.
+ Dự phòng cấp độ III: Dự phòng sau khi tai nạn xảy ra
Dự phòng để làm giảm thiểu hậu quả sau tai nạn thương tích xẩy ra: Sơ cấp cứu khẩn trương với hiệu quả tối đa để giảm thiểu hậu quả của TNTT, tàn tật, tử vong và thực hiện các biện pháp phục hồi chức năng giúp cho nạn nhân hồi phục tốt các chức năng của cơ thể.
Gia đình, nhà trường và cộng đồng thực hiện tốt việc phòng tránh TNTT theo ba cấp độ trên sẽ góp phần giảm thiểu tỷ lệ trẻ em mầm non và học sinh bị TNTT cũng như giảm thiểu tỷ lệ bệnh tật và tử vong do TNTT gây ra.