Khoảng hơn 1 tuần nay, Hà Nội đã trải qua tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng với chỉ số AQI trung bình mỗi ngày từ 154 - 177 đơn vị (mức xấu, người dân cần hạn chế ra ngoài đường khi không cần thiết). Bên cạnh đó, chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng ở mức rất cao, gấp hàng chục lần so với giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo trang web IQair, sáng nay (14/10), không khí tại Hà Nội đang ở mức không an toàn, chỉ số AQI lên tới 160. Nguyên nhân là do bụi mịn OM2.5 gấp 13,6 lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Tại Hà Nội có một số điểm có chỉ số AQI cao chẳng hạn: Cửa Nam (160), Thành Công (151), Ngọc Lâm (160), ngoài ra một số khu vực ngoại ô cũng ghi nhận chỉ số AQI trên 160 đến 180. Thậm chí khu vực bán đảo Quảng An (Tây Hồ) còn có chỉ số AQI lên tới 203 vào lúc 9h sáng. Đây là mức rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
Đáng lo ngại, đây cũng không phải lần đầu tiên Hà Nội lọt vào top ô nhiễm thế giới. Theo đó, tại Hà Nội và nhiều địa phương khác của nước ta cứ đến mùa Thu - Đông chất lượng không khí lại ô nhiễm ở ngưỡng nghiêm trọng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khí thải ô nhiễm môi trường ở đô thị có tới 70% bắt nguồn từ các phương tiện giao thông. Cùng với đó còn có cát bụi, đất đá tồn đọng trên đường do chuyên chở các vật liệu xây dựng, chở rác hay do chất lượng đất kém. Tiếng ồn cũng là dạng ô nhiễm phổ biến ở đô thị và các phương tiện giao thông, gây tác hại lớn đến toàn bộ cơ thể người nói chung và cơ quan thính giác nói riêng.
T.S Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho hay, mấy năm gần đây, ở nhiều tỉnh, thành ở phía Bắc, trong đó có Hà Nội ô nhiễm không khí có diễn biến xấu. Chất lượng không khí xấu, trong đó có bụi mịn PM2.5 ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe. Dù những người khỏe mạnh có thể khó cảm nhận ngay, nhưng theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp và nhiều cơ quan khác của con người.
Ông Tùng cho biết thêm, do bụi mịn PM2.5 kích thước quá nhỏ nên phòng chống rất khó, chúng thường bay lơ lửng trong không khí, có thời gian lắng xuống, nhưng chỉ cần một đợt gió sẽ bay lên cao, khi có mưa bụi mịn PM2.5 mới được rửa trôi", ông Tùng nói.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng đã đề nghị các Sở TN&MT nhanh chóng chỉ đạo, tăng cường tần suất quan trắc, công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố, khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, nhất là với nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời vào 5h-7h sáng và 14h-19h tối.
Bên cạnh đó yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp). Trong đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn. Đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định.
Theo các chuyên gia thời tiết, cần có một đợt gió mùa Đông Bắc để cải thiện chất lượng không khí, nhưng hiện tại, khả năng này chưa rõ ràng.
Trong khoảng thời gian từ ngày 22 đến 27-10, có khả năng xuất hiện một đợt gió mùa Đông Bắc. Đây sẽ là đợt không khí lạnh thứ 3 kể từ đầu mùa đến nay và là đợt thứ 2 trong tháng 10.
Tuy vậy, cường độ của đợt lạnh này vẫn chưa được xác định cụ thể. Theo mô hình dự báo khí hậu của Trung tâm Dự báo thời tiết hạn vừa châu Âu (ECMWF) và Hệ thống Dự báo toàn cầu của Hoa Kỳ (GFS), đợt không khí lạnh này có khả năng mạnh như đợt thứ 2 và có thể khuếch tán sâu hơn xuống tận Tây Nguyên.