Thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm tính trên dư nợ và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế.
Chương trình này áp dụng với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất thuộc các trường hợp: Có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đăng ký kinh doanh gồm: Hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin, trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản...
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước xác định 15 ngân hàng không thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, gồm: Bắc Á Bank, Oceanbank, GPbank, CBbank, Baovietbank, LPBank, NCB, SCB, VietAbank, DongAbank, TNHH MTV Hong Leong Việt Nam, Woori Việt Nam, Liên doanh Việt - Nga.
Riêng Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đến ngày 31/12/2022 có phát sinh dư nợ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng chưa phát sinh số tiền hỗ trợ lãi suất do chưa đến kỳ trả lãi.
14 ngân hàng thương mại khác có hỗ trợ lãi suất nhưng ở mức dưới 1 tỷ đồng là: ABBank, Banvietbank, Kienlongbank, NamAbank, MBbank, VIB, Saigonbank, Sacombank, PGbank, Eximbank...
Theo kế hoạch, nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỷ đồng qua hệ thống các ngân hàng thương mại năm 2022. Nhưng kết quả đạt được thấp, chỉ với 134 tỷ đồng, tương ứng 0.8% tổng mức hỗ trợ lãi suất đã đăng ký, bằng 0,84% kế hoạch năm 2022.
Kiểm toán Nhà nước xác định đến 31/3/2023, số lũy kế hỗ trợ lãi suất là 332 tỷ đồng, đạt 0,83%. Đến tháng 7/2023, con số này là 681 tỷ đồng, tương ứng 1,7% nguồn lực bố trí thực hiện chính sách.