Khoảng 10 năm trước, cùng với sự phát triển của Internet, thị trường ebook bắt đầu hình thành tại Việt Nam. Khởi xướng dòng sách này là những công ty công nghệ thông tin như Lạc Việt (thương hiệu SachbaoVN), VINAPO (thương hiệu Alezaa), VEGA (thương hiệu Waka). Sau đó không lâu, các nhà xuất bản (NXB) lớn cũng tham gia vào thị trường ebook, đó là Phương Nam (thương hiệu Komo), NXB Tổng hợp (thương hiệu Sachweb), NXB Trẻ (thương hiệu YBOOK), sang 2015 có thêm Tiki (thương hiệu Miki) và Vinabook…
Với ưu thế tuyệt đối của ebook là giảm giá bán, giúp độc giả dễ dàng tiếp cận nội dung sách, nhiều người kỳ vọng ebook Việt Nam sẽ vươn lên như Amazon.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, ebook đang trên đà... giảm sút. Có những công ty đã đóng cửa vì không có doanh thu. Một số công ty vẫn phát hành ebook nhưng doanh thu rất thấp. Thực tế đó hoàn toàn khác biệt so với nhiều Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Đặc biệt là thị trường Mỹ, ebook phát triển rất mạnh. Trên Amazon, ebook đã chiếm thị phần tương đương với sách giấy.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là độc giả Việt không đọc ebook, nhưng đa phần sách họ tải về từ các nguồn chia sẻ miễn phí vì rất dễ tìm trên mạng. Đây cũng chính là một trong những “điểm nghẽn”, là sự bế tắc của kinh doanh ebook tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy, song song với những đơn vị làm ebook chính thống, từ năm 2010, trên thị trường Việt Nam bắt đầu xuất hiện các website dạng diễn đàn, mạng xã hội, tự tổ chức thu thập và chia sẻ ebook miễn phí hoặc có thu phí với mức rất thấp. Các website này không xin phép phát hành ebook với cơ quan chức năng và không trả tiền tác quyền. Thế mạnh của dòng “ebook lậu” là số lượng rất lớn, lên đến hàng trăm nghìn đầu sách nhiều thể loại, thu hút phần lớn độc giả Việt, góp phần giết chết thị trường ebook.
Thêm một rào cản nữa với sự phát triển ebook là cơ chế chính sách. Tại Mỹ, việc thành lập NXB và xuất bản ebook dễ dàng, hầu như không mất chi phí, nhưng việc làm sách lậu sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc với mức phạt nặng nề. Còn tại Việt Nam, việc lập NXB và xin giấy phép xuất bản ebook rất khó khăn, việc in lậu, kinh doanh sách lậu, ebook lậu lại quá dễ dàng và chẳng có hình phạt nào đáng kể.
Điều đáng nói, các NXB hiện nay chủ yếu sản xuất về nội dung, rất khó có thể phát triển những ứng dụng nền tảng cho việc đọc sách và kinh doanh ebook bởi yếu kém về công nghệ, vốn đầu tư.
Vì những lý do đó, sau 10 năm, ebook Việt vẫn giậm chân tại chỗ, thậm chí có dấu hiệu thụt lùi. Một khi sách lậu, ebook lậu vẫn còn có “đất sống”, thị trường sách nói chung, ebook nói riêng, không thể phát triển được là điều dễ hiểu.