Nhà máy điện Ratcliffe-on-Soar của Nottinghamshire, nơi cung cấp điện cho cả nước trong 57 năm, chính thức ngừng sản xuất điện từ 30/9 vừa qua. Sự kiện này kết thúc 142 năm phụ thuộc vào than đá của Anh, bắt đầu từ năm 1882 khi nhà máy điện chạy bằng than đầu tiên trên thế giới chính thức hoạt động tại London.
Chính phủ Anh ca ngợi việc đóng cửa này là một cột mốc trong nỗ lực tạo ra toàn bộ năng lượng của Vương quốc Anh từ các nguồn tái tạo vào năm 2030. Ông Michael Shanks, Bộ trưởng Bộ Năng lượng cho biết: "Thời đại của than đá có thể sắp kết thúc, nhưng kỷ nguyên mới với nhiều việc làm năng lượng tốt cho đất nước chúng ta mới chỉ bắt đầu".
Nhà máy điện chạy bằng than đầu tiên trên thế giới, nhà máy điện Edison của Thomas Edison, được mở tại London vào năm 1882. Ratcliffe-on-Soar, được khánh thành vào năm 1967, là một địa danh có 8 tòa tháp làm mát bằng bê tông và ống khói cao 199 mét được hàng triệu người nhìn thấy mỗi năm khi lái xe qua trên đường cao tốc M1.
Năm 1990, than đá cung cấp khoảng 80% điện năng của Vươnh quốc Anh. Đến năm 2012, con số này đã giảm xuống còn 39% và đến năm 2023 chỉ còn 1%, theo số liệu từ National Grid. Hơn một nửa lượng điện của Vương quốc Anh hiện nay đến từ các nguồn tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, và phần còn lại đến từ khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân. Michael Lewis, giám đốc điều hành của Uniper, chia sẻ:
"Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1882, than không cung cấp năng lượng cho Vương quốc Anh. Khi khép lại chương này, chúng tôi vinh danh di sản của Ratcliffe và những người làm việc tại đây, đồng thời hướng tới tương lai của năng lượng sạch hơn và linh hoạt hơn", giám đốc điều hành của Uniper (chủ sở hữu của Ratcliffe), chia sẻ.
Lợi ích từ việc Anh từ bỏ than đá như lượng khí thải carbon giảm đáng kể. Việc thay thế than đá bằng năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã tiết kiệm được khoảng 2,9 tỷ bảng Anh.
Thực tế, hơn 1/3 các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) không sử dụng than đá và 3/4 các nước này sẽ không sử dụng than đá đến năm 2030. Sự phát triển nhanh chóng của năng lượng mặt trời và gió thúc đẩy giảm 87% nhu cầu sử dụng than trong giai đoạn này.
Phil MacDonald, giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu năng lượng toàn cầu Ember, cho hay, trước đây, than gắn liền với tăng trưởng công nghiệp. Giờ đây, năng lượng sạch đang thúc đẩy nền kinh tế trên toàn thế giới.
Quá trình chuyển đổi từ than sang năng lượng tái tạo diễn ra nhanh chóng, được hỗ trợ bởi các chính sách của chính phủ, cam kết khử cacbon và sự phát triển của năng lượng gió và mặt trời.
Với việc loại bỏ dần than, Anh là một ví dụ cho các quốc gia khác đang hướng tới việc chuyển đổi sang năng lượng xanh.