Ngày 7/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp Quốc hội thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tổng thể quốc gia).
Quy hoạch cần ưu tiên cho không gian phát triển
Bày tỏ nhất trí với sự cần thiết thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia tại kỳ họp này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng tham gia ý kiến về một số vấn đề cụ thể:
Thứ nhất, hồ sơ Quy hoạch có đề cập hai kịch bản tăng trưởng. Kịch bản thấp với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,3%/năm cho cả giai đoạn 2021-2030, 6,5%/năm giai đoạn 2031-2050 (đạt ngưỡng thấp nhất là nước có thu nhập cao vào năm 2045).
Kịch bản phấn đấu với dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 7%/năm cho cả giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng đạt 7,2%/năm trong giai đoạn 2031-2050.
Nếu nhìn vào mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao thì rõ ràng cần chọn phương án tăng trưởng cao. Nhưng, nhìn lại những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội thời gian qua thì phương án đó tính khả thi không cao. Với quy hoạch, nhất là quy hoạch tổng thể quốc gia thì cần hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh. Vậy nên chăng quy hoạch không nên đưa những con số quá cụ thể, bởi mục tiêu cao nhất vẫn là tổ chức không gian phát triển, hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc…
“Tương tự, các mục tiêu về mức thu nhập trung bình vào các mốc 2030, 2050 cũng cần được tính toán rất kỹ. Tôi muốn nhấn mạnh quan điểm nên chăng Quy hoạch cần ưu tiên cho không gian phát triển hơn là những con số quá cụ thể” - đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.
Tận dụng lợi thế của Hành lang kinh tế Đông Tây
Từ vị trí của Quảng Trị, đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây nối khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar, là tuyến đường ngắn nhất nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và trong tương lai sẽ kết nối chặt chẽ hơn nữa với khu vực Vân Nam, Trung Quốc.
Trong Dự thảo, Quy hoạch cũng đã nêu định hướng bố trí phát triển theo hành lang kinh tế Đông Tây, trục Hành lang kinh tế Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng. Tuy nhiên, định hướng phát triển cần nhìn rộng hơn và xa hơn, không chỉ nằm ở việc tận dụng lợi thế cửa ngõ ra biển của Thái Lan và Lào mà cần tận dụng lợi thế của hành lang kinh tế này, với vai trò là con đường huyết mạch nối liền với không gian kinh tế sông Hằng (Ấn Độ), mở rộng giao lưu kinh tế giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; kết nối giữa thị trường Trung Quốc và khu vực ASEAN,
Hiện nay, Việt Nam đã thu hút được các dự án đầu tư nước ngoài vào các tuyến đường bộ thuộc hành lang kinh tế Đông Tây và các cảng biển để phát triển các hệ thống kho vận, cảng cụm công nghiệp hiện đại, có quy mô lớn, như Khu kinh tế Nghi Sơn, Vũng Áng - Sơn Dương, Dung Quất... trên trục kết nối Đông Tây. Đây là nền tảng thuận lợi để cảng biển Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu; là cơ sở để tối ưu hóa chi phí vận tải và giảm thiểu chi phí logistics trong bối cảnh vai trò “nhà phân phối và logistics” của Việt Nam còn mờ nhạt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong bối cảnh hậu Covid, bất ổn địa chính trị và các yếu tố bất định khác gia tăng, xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu càng trở nên rõ nét, việc quy hoạch phát triển theo hành lang kinh tế Đông Tây có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, một động lực quan trọng để phát triển kinh tế trong giai đoạn từ nay đến 2030.
“Việc mới, việc khó chưa có tiền lệ chắc chắn không thể cầu toàn. Ở phiên thảo luận tổ thì nhiều vị đại biểu băn khoăn về mức độ chi tiết của Quy hoạch này đến đâu để đảm nhận được vai trò nền tảng, dẫn dắt các quy hoạch cấp dưới nhưng không bó chân bó tay khi thực hiện. Bộ trrưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nói đây là vấn đề lớn nhất của Quy hoạch này” - đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.