Mới đây, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ NN&PTNT và Tỉnh uỷ Đắk Lắk tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng".
Chủ trì Hội thảo gồm các lãnh đạo: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW; Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.
Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan liên quan của 5 tỉnh Tây Nguyên; đại diện một số hiệp hội, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, doanh nghiệp...
Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; coi đây là một lĩnh vực quan trọng, đa mục tiêu, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa là dư địa để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị nhưng chủ trương, chính sách về phát triển rừng vẫn chưa thực sự đem lại cuộc sống ấm no cho người dân, chưa trở thành động lực để phát triển kinh tế-xã hội ở những địa phương có quỹ đất rừng lớn. Địa phương có nhiều rừng, người dân ở khu vực có rừng cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn và đang đặt ra nhiều vấn đề xã hội bức xúc cần giải quyết…
Vì vậy, Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng, trao đổi những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là những nhiệm vụ giải pháp đột phá tạo động lực để phát triển bền vững rừng trong giai đoạn tới, phục vụ công tác sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thảo luận giải pháp trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới, phục vụ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, Ban Chỉ đạo chọn Tây Nguyên là vùng đầu tiên trên cả nước để tổ chức chuỗi hội nghị, hội thảo phục vụ sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, bởi Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước.
Phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng.
Tây Nguyên là vùng có diện tích rừng lớn thứ hai cả nước, có tiềm năng lớn về phát triển tài nguyên rừng và nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, phát triển lâm nghiệp. Rừng Tây Nguyên có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế-xã hội của các dân tộc thiểu số, có vị trí quan trọng về an ninh chính trị, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu cho vùng.
Những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng tập trung đánh giá chính sách, pháp luật đất đai hiện hành về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và những định hướng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Phân tích, đánh giá một số cơ chế, chính sách tạo động lực thúc đẩy, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chú trọng phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp đột phá về: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và giải pháp phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới; hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam.
Các đại biểu cũng đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi trong công tác bảo đảm an sinh đối với người dân khu vực có rừng, nhất là bảo đảm sinh kế cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ theo tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 13 của Ban Bí thư. Tập trung thảo luận, đánh giá các tiềm năng Tây Nguyên để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đồng thời, thảo luận, gợi mở một số định hướng, giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đồng tình với các kiến nghị, đề xuất và nhấn mạnh một số nội dung như: Về định hướng bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai hiện hành về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp; Các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và giải pháp phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới; Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam;
Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi trong công tác bảo đảm an sinh đối với người dân khu vực có rừng; Khai thác tiềm năng Tây Nguyên dựa trên 4 trụ cột để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị; Một số giải pháp, kinh nghiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và sự phát triển bền vững cho Tây Nguyên; sản xuất, canh tác nông nghiệp hữu cơ theo phương thức phát triển của hệ sinh thái rừng Tây Nguyên…
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị Ban tổ chức Hội thảo tổng hợp, chắt lọc, tiếp thu tối đa những nội dung được trình bày và ý kiến đóng góp của các đại biểu để kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương: "Trung ương đã đề ra mục tiêu giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045 tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, riêng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 47%; đến năm 2045, trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.
Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước; hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng. Với những lợi thế và tiềm năng sẵn có, cùng với sự nỗ lực của toàn Đảng, nhân dân Tây Nguyên, tôi tin tưởng mục tiêu này chắc chắn đạt được".