Hợp tác giải quyết các mối đe dọa chung
Hội nghị ra tuyên bố chung tái khẳng định sự hợp tác trong giải quyết các mối đe dọa chung, cụ thể:
Về mở rộng hợp tác an ninh, hội nghị tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác an ninh nhằm giải quyết những thách thức an ninh chung trong khu vực Trung Á; tăng cường hợp tác về các vấn đề quốc phòng, thực thi pháp luật và chống khủng bố; đồng thời, kêu gọi tất cả các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ một Afghanistan độc lập và có chủ quyền; khẳng định mong muốn hợp tác sâu sắc hơn thông qua mở rộng chia sẻ thông tin, hợp tác về an ninh biên giới, hỗ trợ công dân hồi hương từ phía Đông Bắc Syria và ngăn chặn tình trạng bạo lực; ủng hộ cam kết của Mỹ trong hỗ trợ an ninh nhằm duy trì và tăng cường quan hệ đối tác an ninh Mỹ - Trung Á.
Về hành lang kinh tế và năng lượng, các nhà lãnh đạo khẳng định tăng cường củng cố kinh tế là điều kiện cần thiết để tăng khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu và thu hút đầu tư quốc tế vào khu vực Trung Á. Điều này sẽ tạo tiền đề cho các quốc gia Trung Á đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế toàn diện thông qua hành lang thương mại năng động.
Theo đó, để hiện thực hóa mục tiêu, các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho thương mại và đầu tư của khu vực tư nhân của Mỹ ở khu vực Trung Á; tăng cường các tuyến thương mại thay thế tạo điều kiện kết nối giữa các doanh nghiệp Mỹ và khu vực Trung Á; hình thành mạng lưới khu vực kết nối các chuyên gia trẻ được đào tạo tiếng Anh và phát triển chuyên môn; cam kết duy trì đối thoại về hợp tác kinh tế khu vực và thảo luận về các hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và toàn diện (dự kiến sẽ được tiến hành tại Hội nghị Bộ trưởng kết nối USAID C5+1 vào tháng 10-2023); tăng cường quan hệ đối tác với các tổ chức tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ đầu tư và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để tăng cường kinh tế toàn diện ở các quốc gia thông qua các cơ chế đổi mới tại Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thúc đẩy đầu tư nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, như ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ và Trung tâm Doanh nghiệp tư nhân quốc tế (CIPE) sẽ hợp tác thiết lập nền tảng kinh doanh của khu vực tư nhân nhằm bổ sung cho nền tảng quan hệ ngoại giao C5+1 và tăng cường quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Á.
Về tăng cường an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu, để tăng cường an ninh năng lượng của khu vực Trung Á, lãnh đạo Nhóm C5+1 cam kết tích hợp các hệ thống năng lượng khu vực để đa dạng hóa và mở rộng các tuyến xuất khẩu năng lượng mới cho thị trường toàn cầu; tăng cường sản xuất năng lượng sạch; triển khai các dự án giảm thiểu phát thải khí metan và khai thác những lợi ích kinh tế của thương mại năng lượng sạch trong khu vực.
Đồng thời, khẳng định tăng cường hợp tác sâu rộng để phát triển năng lực đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch toàn cầu, bao gồm xây dựng chuỗi cung ứng khoáng sản đa dạng, linh hoạt và an toàn, phát triển công nghệ mới trong chế biến, khai thác nhiên liệu thô. Trong tương lai, nhu cầu về khoáng sản cần thiết cho năng lượng sạch và các công nghệ khác sẽ tăng đáng kể.
Vì vậy, để phát triển hơn nữa nguồn tài nguyên khoáng sản của khu vực Trung Á và nâng cao an ninh khoáng sản, lãnh đạo Nhóm C5+1 sẽ khởi động cuộc đối thoại về khoáng sản quan trọng trong nhóm nhằm tăng cường kết nối giữa các cơ quan chính phủ và ngành công nghiệp khu vực tư nhân. Ngoài ra, các bên khẳng định cam kết tăng cường hợp tác để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước, cũng như bảo đảm sự ổn định của hệ sinh thái trong khu vực.
Về thúc đẩy giáo dục và giao lưu nhân dân, các bên khẳng định cam kết hợp tác thúc đẩy nhà nước pháp quyền và quản trị dân chủ; tiếp tục hỗ trợ và tăng cường kết nối Mỹ - Trung Á thông qua hỗ trợ xây dựng năng lực giáo dục, đào tạo nghề; đồng thời, duy trì hỗ trợ các tổ chức giáo dục đại học nhằm hỗ trợ các sinh viên từ khắp khu vực Trung Á, qua đó tăng cường kết nối khu vực và nhận thức về đa dạng văn hóa; nhấn mạnh việc mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học và các lĩnh vực xã hội; phát triển mối quan hệ giữa con người với con người.
Về giai đoạn hợp tác mới, các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác an ninh khu vực và phát triển bền vững thông qua các cuộc gặp thường niên. Các cam kết được đưa ra trong tuyên bố chung dựa trên tầm nhìn chung vì một Trung Á vững mạnh, hòa bình và thịnh vượng.
Để đạt được mục tiêu đó, lãnh đạo Nhóm C5+1 sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc gặp và trao đổi thảo luận chung hoặc đối thoại song phương; đồng thời, duy trì cuộc họp cấp bộ trưởng C5+1 về các chủ đề, như thương mại, năng lượng, chống biến đổi khí hậu và an ninh; duy trì đối thoại cấp cao để cùng giải quyết những thách thức mới cũng như bảo đảm mối quan hệ đối tác giữa các nhà lãnh đạo Nhóm C5+1 mang lại kết quả thiết thực cho người dân khu vực Trung Á.
Tín hiệu chiến lược tích cực?
Diễn ra bên lề Kỳ họp lần thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung Á được đánh giá là một sự kiện lịch sử, là kết quả của nhiều năm hợp tác chặt chẽ dựa trên cam kết chung về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Tại hội nghị, Mỹ đưa ra nhiều cam kết, hứa hẹn dành cho các nước Trung Á. Đây cũng là hội nghị đầu tiên được tổ chức ở cấp tổng thống với 5 nước Trung Á.
Nhóm C5 tạo nên một thị trường gắn kết với 70 triệu dân, thiết lập một khối thương mại thống nhất. Các quốc gia này cũng mong muốn cho thế giới thấy những điều kiện thuận lợi về phát triển kinh tế, hiệu quả kinh tế và tính ổn định về chính trị, tiền tệ để thu hút các đối tác quốc tế đến phát triển kinh doanh.
Mặt khác, với hy vọng nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, Nhóm C5 cũng nỗ lực thể hiện tiếng nói, vai trò tại các diễn đàn đa phương khu vực và thế giới, nhất là tại Liên hợp quốc; đồng thời, Mỹ sẽ giúp bảo đảm an ninh năng lượng, chống khủng bố và phát triển kinh tế, gia tăng chuỗi cung ứng ở khu vực.
Được khởi động từ năm 2014, cơ chế C5+1 được xem như một diễn đàn để Đại sứ và Bộ trưởng Ngoại giao của 5 nước Trung Á phối hợp với Mỹ về vấn đề Afghanistan. Đến nay, Tổng thống Mỹ J. Biden đánh giá đây là thời điểm lịch sử để xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nước Trung Á, do vậy đã nâng cấp cơ chế này lên cấp nguyên thủ và lần đầu tiên quy tụ được đầy đủ 5 nguyên thủ của 5 nước Trung Á.
Điều này được đánh giá là một bước tiến đáng chú ý trong quan hệ giữa Mỹ và 5 nước Trung Á; đồng thời, cho thấy Mỹ ngày càng quan tâm đến các nước Trung Á, cũng như làm sâu sắc hơn mục tiêu toàn cầu của Mỹ.
Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Nga với các nước Trung Á đạt 41 tỷ USD. Bên cạnh đó, Nga còn cung cấp hỗ trợ các nước Trung Á trong việc giải quyết các vấn đề phát triển bền vững; hỗ trợ đào tạo.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia phân tích cuộc gặp Nhóm C5+1 năm 2023 nhằm tăng cường ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực này, làm phân tán sự ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga hay nói cách khác là đưa các quốc gia Trung Á ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc và Nga; tuy nhiên, ý tưởng này của Mỹ được xem là khó khả thi trong bối cảnh quan hệ giữa các nước Trung Á với Nga và Trung Quốc ngày càng chặt chẽ.
Hơn nữa, Mỹ cũng chưa đưa được lộ trình hay kế hoạch thay thế 2 đối tác này tại khu vực Trung Á. Đến nay, viện trợ của Mỹ cho các nước Trung Á vẫn ở mức thấp và hầu như chưa có dự án quy mô lớn nào được triển khai tại khu vực này.
Các chuyên gia cho rằng, Mỹ cần xây dựng cách tiếp cận chiến lược đối với khu vực Trung Á, do Mỹ có ít ảnh hưởng hơn so với Nga và Trung Quốc tại khu vực này. Theo đó, việc nâng cấp cơ chế 5+1 được coi là một dấu hiệu tích cực, một lộ trình bắt đầu cho chiến lược ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Trung Á.
Trước đó, năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên thăm cả 5 quốc gia khu vực Trung Á, cũng lần đầu tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh theo hình thức “5+1” giữa Nga và các nước Trung Á; đồng thời, có tính ràng buộc trong hợp tác về kinh tế.
Trong khi đó, tháng 5/2023, Trung Quốc cũng lần đầu tiên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh với 5 nước Trung Á, cùng nhất trí thiết lập cơ chế gặp gỡ giữa các nguyên thủ 2 năm/lần, nhất trí thiết lập quan hệ đối tác phát triển vì năng lượng.
Ngoài ra, các nước Trung Á còn có quan hệ hợp tác với Trung Quốc trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Hơn nữa, trước việc nếu phải “chọn bên” trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, hầu hết các chuyên gia cho rằng, các nước Trung Á sẽ chọn cách đứng trung lập, song vẫn duy trì sự cân bằng chiến lược với các cường quốc.
Điều này sẽ giúp Trung Á có vị trí chiến lược quan trọng trong thế “lựa chọn” của các nước lớn và nâng cao vị thế trong các vấn đề toàn cầu và khu vực.