Theo kế hoạch về thực hiện các nhiệm vụ của Bộ LĐTB&XH, trong tháng 4 tới, bộ sẽ trình dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng để phù hợp với cải cách tiền lương Bộ LĐTB&XH sẽ lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo này trước khi trình Chính phủ.
Mới đây, cùng với việc xét yếu tố trượt giá vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023 (theo quy định tại điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất, mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7 khoảng 8% là phù hợp. Đề xuất trên căn cứ vào mức tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 là 3,25% và tăng trưởng kinh tế là 5,05%. Điều này sẽ giúp giảm chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương và người hưởng lương hưu từ ngày 1/7 trở đi.
Liên quan đến cải cách tiền lương, tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 2/3 vừa qua, đại diện Bộ Nội vụ đã thông tin về tiến độ xây dựng các văn bản để triển khai chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1/7.
Theo đó, bộ đã hoàn tất hồ sơ để chuẩn bị trình cho các cấp có thẩm quyền trước khi trình xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau đó, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ sẽ ban hành văn bản dựa trên cơ sở những đóng góp của Bộ Chính trị.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cả nước có khoảng 3,4 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Mức hưởng bình quân của người hưởng lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội là 5,6 triệu đồng/người/tháng, còn với người hưởng lương hưu từ nguồn ngân sách Nhà nước là 4,7 triệu đồng/người/tháng. Số tiền lương hưu hằng tháng thấp nhất của người thụ hưởng hiện nay 1,8 triệu đồng/người/tháng, không tính những người là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.