Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta đang được đẩy mạnh. Khi “lò lửa” cháy rừng rực, có những người hôm qua còn giữ trọng trách, có ảnh hưởng đến nhiều người, thì nay bị xử lý kỷ luật, bị vào tù. Xử lý một người để cứu muôn người, vì bộ máy Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, vì một nền hành chính kỷ cương, chuyên nghiệp. Nhân dân ta rất đồng tình và ủng hộ sự kiên trì, quyết liệt trong cuộc đấu tranh này.
Thế nhưng, bên cạnh mặt tích cực là cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, cũng có tâm lý sợ sai, làm việc cầm chừng trong đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở những nơi có liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, tài chính. Gần đây việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế ở các bệnh viện xảy ra ở nhiều bệnh viện lớn và các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước, gây khó khăn cho cả thầy thuốc và người bệnh.
Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy dẫn chứng cho cái khó trong đấu thầu hiện nay. Chẳng hạn, việc xây dựng giá gói thầu dựa trên Thông tư 68 của Bộ Tài chính. Thông tư quy định, việc mua sắm hóa chất và vật tư y tế tiêu hao chủ yếu vẫn là ba bảng báo giá. Trên thực tế, việc có được ba bảng báo giá là không thể có được. Khi mở gói thầu lớn, những sản phẩm đủ ba báo giá chỉ chiếm khoảng 30%- 40%. Mỗi bệnh viện, mỗi tuyến lại cần mua các loại máy có chức năng và đặc thù riêng theo nhu cầu, nhưng chỉ có một đơn vị kê khai giá, do vậy không thể đáp ứng yêu cầu quy định. Bệnh viện đề nghị nên cho phép các bệnh viện hạng đặc biệt được lựa chọn thương hiệu trong mua sắm vật tư y tế, vì những tuyến này có bệnh nhân nặng đặc thù, rất cần những máy móc trang thiết bị điều trị hiện đại. Nếu không, cơ quan quản lý Nhà nước có thể tự định giá để bệnh viện mua theo giá đã cho phép công khai và lựa chọn thương hiệu. Đề nghị này vẫn trong tình trạng... nghiên cứu và chờ đợi.
Trước những băn khoăn và kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế có nguyên nhân chủ quan là, quy định mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế có rất nhiều văn bản pháp luật chi phối, từ Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Tài sản công, Luật Dược và các nghị định, thông tư hướng dẫn, cho nên có những vướng mắc. Tuy nhiên, còn nguyên nhân khác là trong thời qua, đã có nhiều sai phạm liên quan đến lĩnh vực mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Đối với đội ngũ làm công tác đấu thầu, nhất là bác sĩ không có chuyên môn về tài chính có tâm lý lo lắng, sợ làm sai dẫn tới những ách tắc, chậm trễ. Tháo gỡ khó khăn phải bắt đầu từ các “điểm nghẽn” ấy, và phải làm nhanh, làm quyết liệt.
Không chỉ trong ngành Y tế mà nhiều lĩnh vực khác cũng có tình trạng chậm trễ, công việc trì trệ. Ở không ít nơi có hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ngành này đẩy sang ngành kia, cấp dưới đẩy lên cấp trên, khiến cho công việc càng kéo dài dẫn tới nhiều hệ lụy khác. Lý do chủ yếu vẫn là do tâm lý sợ sai của cán bộ, nhất là đội ngũ chủ chốt. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, công trình nghìn tỷ “đắp chiếu”, các dự án bị kéo dài thời gian thẩm định, cấp phép,v.v.. là những hậu quả do người thực hiện, có chức trách không muốn làm vì sợ sai...
Vì sao công việc tiến triển chậm, vì sao cán bộ lại sợ sai? Theo chúng tôi có thể thấy trong thực tiễn đang có ba nhóm cán bộ: một là, nhóm cán bộ hạn chế về năng lực, về chuyên môn, sợ sai nên không dám thực hiện nhiệm vụ; hai là, nhóm cán bộ tuy có năng lực nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm, nghe ngóng, né tránh cốt an toàn cho bản thân; ba là, không muốn làm, vì đã cuối nhiệm kỳ, đã sắp về hưu, sắp chuyển công tác.
Khi bàn về chuyện né tránh công việc, né tránh đấu tranh phê bình, có người cho rằng, đó là tâm lý tự nhiên, tâm lý “hòa là quý, nhẫn là cao” của con người. Cần phải khắc phục tâm lý, thói quen này bằng công tác tư tưởng, quản lý, kiểm tra, giám sát, bằng cơ chế, chính sách cụ thể. Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta đã nêu rõ trong văn kiện, cần có cơ chế bảo vệ cán bộ: “Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện các nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ bằng việc luật hóa, cụ thể hóa để tạo cơ chế bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá.
Cơ chế bảo vệ cán bộ rất quan trọng nhưng không thể bao quát hết thảy mọi lĩnh vực, mọi ngóc ngách trong đời sống. Ở đây, vai trò của cấp ủy, các đảng bộ, cơ quan, doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu là hết sức quan trọng. Khi tập thể đoàn kết, thống nhất, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; khi giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; khi mỗi người làm việc hết lòng vì cái chung thì “cái sai” sẽ được phân tích đúng-sai rõ ràng, công tâm và minh bạch. Công lao là của tập thể nhưng dấu ấn phải được tạo ra bởi mỗi cá nhân. Muốn tập thể thành công thì mỗi cá nhân phải làm việc hết mình, phải tự chịu trách nhiệm, nghĩ về trách nhiệm trước khi nghĩ tới vinh dự. Làm việc gì cũng tính toán có lợi hay không có lợi cho mình, sợ sai phạm, như có người lo lắng thái quá: làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, làm cũng chết, không làm cũng chết..., thì thử hỏi: Ai sẽ là người “dám làm”?