Sớm hoàn thiện chính sách khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực điện mặt trời mái nhà phục vụ cho hoạt động dân sinh và các cơ quan, doanh nghiệp.

68/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cập nhật đến ngày 13/6/2023, hiện đã có 68/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3791,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.

Trong đó, có 59 dự án (tổng công suất 3211,41MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương). EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 55/59 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 43 dự án.

Ngoài ra, có 11 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 10 dự án/phần dự án với tổng công suất 536,52MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.

Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 12/6, đạt 29.270,02MWh.

Riêng ngày 11/6, sản lượng điện phát của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã COD là hơn 3,2 triệu kWh, trong khi sản lượng điện tiêu thụ trong ngày là 751 triệu kWh. Như vậy, sản lượng điện phát các dự án chuyển tiếp đã COD chỉ chiếm 0,43% sản lượng điện toàn hệ thống.

19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 40 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Như vậy, hiện vẫn còn 17 dự án với tổng công suất 942.70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Trong ngày 11/6, sản lượng điện phát các dự án chuyển tiếp đã COD chỉ chiếm 0,43% sản lượng điện toàn hệ thống, thấp hơn so với sản lượng điện tiêu thụ trong ngày. (Ảnh minh họa)

Theo Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Phạm Nguyên Hùng, để đưa vào vận hành thương mại, các dự án phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật liên quan như: quy định về sử dụng đất, phòng cháy chữa cháy…

Đối với các dự án điện công suất trên 50 MW thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương, các dự án dưới 50 MW sẽ do các địa phương.

Gỡ vướng để phát triển “điện sạch”

Quan điểm trong Quy hoạch Điện VIII là "ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu".

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một số bộ, ngành liên quan tại Trụ sở Chính phủ để triển khai thực hiện mục tiêu trong Quy hoạch Điện VIII là phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Theo đó, năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo chưa được quy định trong các văn bản luật, nghị định nên cần có các cơ chế năng động, sáng tạo trong thực hiện thí điểm. Nhiệm vụ trước mắt là cần có ngay cơ chế, chính sách khắc phục những bất cập, hạn chế trong Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg; đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ mang tính đột phá, thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực điện mặt trời mái nhà phục vụ cho hoạt động dân sinh và các cơ quan công sở, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan quản lý phải tạo điều kiện thông thoáng, có hướng dẫn kỹ thuật, an toàn, giảm thuế cho các nhà sản xuất, nhập khẩu thiết bị điện mặt trời, hỗ trợ người dân khi mua sắm…

Bộ Công Thương tiếp thu, kế thừa, điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về quy mô, phạm vi, công suất… để tránh tình trạng các cơ sở sản xuất điện mặt trời kinh doanh lợi dụng chính sách ưu đãi dành cho điện mặt trời mái nhà; làm rõ và đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công an…; xây dựng khung giá phù hợp đối với lượng điện mặt trời mái nhà phát lên lưới…

Để bảo đảm hiệu quả, góp phần giảm khó khăn về cung ứng điện trong thời gian tới, ngày 6/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 517/CĐ-TTg với nhiều nội dung chỉ đạo cấp bách nhằm huy động hiệu quả mọi nguồn lực, nỗ lực cao nhất trong chỉ đạo điều hành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện; chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện; tập trung cao độ thực hiện hiệu quả các giải pháp về tăng cường tiết kiệm điện, đặc biệt trong tháng 6/2023.

Tiếp đó ngày 8/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tận dụng và huy động các nguồn lực để lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc gia.

Bạn đang xem bài viết Sớm hoàn thiện chính sách khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà tại mục Kinh tế do Tin tức Việt Nam biên tập và tổng hợp mỗi ngày.