Danh mục hàng hóa, dịch vụ được mở rộng
Để khắc phục những chồng chéo giữa các luật chuyên ngành, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về giá, Luật Giá (sửa đổi) sẽ điều chỉnh toàn diện những vấn đề về giá; quy định thống nhất Danh mục hàng hóa.
Đại diện Ban soạn thảo cho biết, hiện nay bên cạnh Luật Giá đã có khoảng 19 Luật chuyên ngành cũng có những quy định về giá, đặc biệt là các vấn đề về Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, thẩm quyền, hình thức, phương pháp định giá; một số trường hợp đã dẫn đến trùng lặp, chồng chéo và gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện.
Xác định vấn đề Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý gắn với các vấn đề phân công, phân cấp, hình thức và phương pháp xác định giá là nội dung cốt lõi, quan trọng nhất của Dự án Luật Giá lần này.
Dự thảo luật làm rõ việc phân công, phân cấp quản lý giá, nhất là đối với biện pháp định giá nhà nước. Theo đó, dự thảo đã bỏ cấp định giá Chính phủ và quy định rõ về nguyên tắc xác định thẩm quyền định giá của Thủ tướng Chính phủ, bộ và UBND tỉnh, TP. Như vậy, Chính phủ chỉ định hướng các mục tiêu quản lý, điều hành giá chung, ban hành hoặc chỉ đạo các bộ ban hành các văn bản dưới luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho tổ chức thực hiện. Quy định này cũng phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.
Sẽ chỉ định giá đối với một số mặt hàng chiến lược
Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ định giá đối với một số mặt hàng chiến lược, đặc biệt quan trọng mà khi điều chỉnh giá cần xem xét toàn diện đến nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô, đời sống người dân (tại danh mục kèm theo Luật quy định thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ cấu, biểu giá bán lẻ điện bình quân, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân).
Mặt khác, dự thảo phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính và các bộ, ngành; Cụ thể, Bộ Tài chính định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý; hàng hóa dịch vụ thuộc nhiều ngành, lĩnh vực quản lý và ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước; Bộ, cơ quan ngang Bộ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, phạm vi chuyên ngành quản lý theo quy định pháp luật; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá đối với hàng hóa, dịch vụ có tính địa bàn theo phạm vi quản lý.
TS. Phạm Văn Bình, Cục Quản lý giá chia sẻ, việc phân định rõ thẩm quyền giữa Bộ Tài chính và các Bộ, ngành cũng là chủ trương chung của Chính phủ trong việc xây dựng dự án Luật.
Thực tế tại dự thảo Luật cũng đã tiếp tục chuyển một số việc quản lý hàng hóa, dịch vụ cụ thể hiện đang thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính cho các Bộ chuyên ngành (Dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải chuyển Bộ Giao thông vận tải; Dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dành dùng cho động vật, thực vật, dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y chuyển Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập chuyển Bộ Y tế). Việc chuyển thẩm quyền quản lý như vậy là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, chuyên môn lĩnh vực quản lý và được sự đồng thuận của các Bộ, ngành.
Đối với cấp địa phương, do thẩm quyền quản lý được giao cho Ủy ban nhân dân, do vậy việc giao các Sở, ngành thực chất là phân nhiệm vụ tham mưu triển khai. Thực tế việc giao nhiệm vụ cho Sở Tài chính, các Sở, ngành tại địa phương cũng cơ bản được triển khai như Trung ương, việc chỉ giao Sở Tài chính thực hiện sẽ rất khó khả thi và nên thực hiện đồng bộ như Trung ương.
Trên cơ sở đó, tại dự thảo Luật Giá sửa đổi bổ sung thêm 01 chương quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhằm tăng cường tính minh bạch, rõ ràng, bảo đảm tính thống nhất trong công tác thực hiện.
Quy định này cần được cụ thể hóa để làm rõ hơn vai trò chủ trì, vai trò phối hợp trong thực hiện để xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tránh sự đùn đẩy.
Hiện nay, có một số Luật cũng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực có quy định tương tự như Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật đấu giá tài sản…
Trên cơ sở rà soát, cập nhập Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá hiện đang được quy định tại Luật giá và các Luật chuyên ngành gồm 52 nhóm hàng hóa, dịch vụ (có 17 nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện được quy định tại Luật giá hiện hành; có 35 nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện được quy định tại Luật chuyên ngành, trong đó có 17 hàng hóa, dịch vụ cụ thể được chuyển từ phí sang thực hiện định giá theo quy định tại Luật phí, lệ phí 2015; 18 hàng hóa, dịch vụ được quy định tại các Luật chuyên ngành).
Nhằm đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, cũng như thực tiễn của công tác quản lý, điều tiết giá, dự thảo Luật đã đưa ra khỏi danh mục 14 nhóm hàng hóa, dịch vụ và bổ sung thêm 02 hàng hóa, dịch vụ vào danh mục. Như vậy đã xác định được 40 hàng hóa, dịch vụ cần tiếp tục thực hiện cơ chế định giá Nhà nước.
Tại dự thảo Luật giá sửa đổi đã quy định cụ thể về thẩm quyền định giá từng hàng hóa, dịch vụ gắn với các hình thức định giá cụ thể nhằm tạo sự minh bạch, thuận lợi cho công tác triển khai. (Danh mục phân công, phân cấp kèm theo dự thảo Luật giá sửa đổi).
Đối với danh mục, dịch vụ do Nhà nước quản lý, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng, hiện nay việc quy định danh mục nhà nước định giá còn được mở rộng, dàn trải tại nhiều pháp luật chuyên ngành, như Luật phí, lệ phí; Luật giao thông đường bộ...
Việc bổ sung danh mục tại các luật chuyên ngành đã dẫn đến một số tồn tại, hạn chế trong đó bao gồm cả trùng lặp, chồng chéo. Thậm chí, tại các nghị định, thông tư dẫn đến hạn chế trong việc kiểm soát, theo dõi, tổng hợp tập trung. Trong khi đó trách nhiệm đầu mối kiểm soát, trình thay đổi danh mục được giao cho Bộ Tài chính thực hiện, nhưng một số trường hợp chưa tuân thủ triệt để, việc bổ sung các mặt hàng vào danh mục chưa đánh giá kỹ khâu tổ chức thực hiện nên tính hiệu quả không cao...
Chính vì vậy, bà Nga cho rằng, danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại dự thảo đã được mở rộng hơn rất nhiều so với quy định hiện hành tại Luật Giá 2012. Liên quan đến danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá cụ thể trong đó có mặt hàng sách giáo khoa bà Nga đề xuất do mặt hàng này thuộc danh mục kê khai giá, được Bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Bà Nga cho hay: “Việc áp dụng biện pháp kê khai giá đối với mặt hàng này là chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý trong thực tiễn, do vậy, đề xuất đưa vào diện danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá”.
Đối với nhóm dịch vụ khám chữa bệnh được chia làm 3 dịch vụ chính (dịch vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quỹ bảo hiểm y tế chia trả; dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước không phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế, và dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước) do là dịch vụ quan trọng thiết yếu nên vẫn cần Nhà nước định giá.
Đối với giá điện bán lẻ bình quân có tính độc quyền nhà nước, việc định giá là phù hợp với quy định và thực tiễn và cần tiếp tục được duy trì. Do đó, đề xuất tiếp tục kế thừa quy định hiện hành, tiếp tục quy định tại danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá tại Luật giá (sửa đổi).
Có thể nói, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện được định giá; giá phát điện; giá bán buôn điện... đề xuất giữ nguyên như hiện hành. Đồng thời, bà Nga cũng đề nghị bổ sung giá phân phối điện tại danh mục kèm theo Luật giá (sửa đổi).
Theo đại diện Cục Quản lý giá, dự thảo phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính và các bộ, ngành; giữa sở tài chính và các sở chuyên ngành. Việc phân định rõ thẩm quyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, chuyên môn lĩnh vực quản lý và được sự đồng thuận của các bộ, ngành…. Đồng thời, dự thảo luật cũng quy định rõ thẩm quyền định giá của từng hàng hóa, dịch vụ kèm theo danh mục hàng hóa, dịch vụ định giá tại Luật.