Hiện nay, Bộ đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, là chỉ đạo các nhà máy thủy điện tập trung thực hiện tích nước các hồ thủy điện để chuẩn bị cho mùa khô năm 2022, sẵn sàng cho phát điện khi phụ tải lên cao.
Đẩy nhanh tiến độ các công trình đường dây truyền tải, đặc biệt là các đường dây 500 kV, 220 kV. Sẵn sàng truyền tải bổ sung công suất cho khu vực miền Bắc khi nắng nóng, phụ tải lên cao (tháng 4 - 5/2022 đã đóng điện đường dây 500 kV Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi, đường dây 220 kV mạch 2 Thanh Hóa - Nghi Sơn - Quỳnh Lưu)…
Đặc biệt,ngành điện lực cầntập trung nghiên cứu, xây dựng chính sách và quy hoạch phát triển điện lực, đảm bảo thực hiện cam kết về đảm bảo đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021(COP26).
Về công tác vận hành thị trường điện, theo Bộ Công Thương,với việc vận hành thị trường bán buôn điện ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị mua buôn điện đã có thêm 5 Tổng công ty Điện lực trực tiếp tham gia mua điện trên thị trường giao ngay cũng như ký hợp đồng song phương với các nhà máy điện.
Đến nay, tính cạnh tranh trên thị trường bán buôn điện đã từng bước được mở rộng về quy mô, với sự tham gia cạnh tranh của 107 nhà máy điện với tổng công suất 29.740 MW và 06 đơn vị mua điện.
Bộ cũng đã xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, chú trọng tập trung vào các bước thực hiện tách bạch chi phí khâu phân phối điện và khâu kinh doanh bán lẻ điện của các đơn vị phân phối bán lẻ điện.
Hiện tại, Bộ Công Thương đang phối hợp với các đơn vị thực hiện các công tác cần thiết để triển khai cơ chế cho phép khách hàng lớn ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo – cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện và đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (DPPA). Đây là bước đầu tiên trong lộ trình triển khai thị trường bán lẻ điện.
Tuy nhiên, công tác xây dựng quy hoạch ngành (quy hoạch điện VIII, quy hoạch năng lượng, quy hoạch hạ tầng xăng dầu và khí đốt…) còn gặp nhiều khó khăn do trong quá trình xây dựng đã phát sinh những yếu tố mới cần phải tuân thủ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình.
Các quy hoạch cũng phải phụ thuộc lẫn nhau gây nên sự chậm trễ trong công tác xây dựng, thẩm định và ban hành.