Dịch vụ tài xế công nghệ đã từng "làm mưa, làm gió" trên thị trường lao động tại các thành phố lớn hiện giờ đã và đang gặp phải vô vàn những khó khăn, một sự thoái trào là hệ quả tất yếu của bùng nổ tự phát quá mức.
Anh Phạm Văn Tú (22 tuổi, quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Bây giờ làm xe ôm công nghệ chỉ đủ sống chứ không còn dư dả như hồi trước, mà lại vất vả hơn rất nhiều”.
“Trung bình mỗi ngày mình dành 5 - 6 tiếng để chạy xe, có thêm chút thu nhập trang trải cuộc sống, cũng đỡ phải xin tiền bố mẹ nhiều, tận dụng tối đa thời gian không phải đến trường” - anh Tú cười nói.
Quả thực, thị trường tài xế công nghệ hiện giờ đã quá khác so với trước đây. Mối làm ăn “quá béo” mà Grab có được trong giai đoạn đầu xuất hiện trên thị trường đã không còn giữ được vị thế cũ. Hàng loạt các doanh nghiệp đổ tiền vào thị trường, càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn, dày hơn các hãng xe ôm công nghệ mới. Thêm vào đó, để có thể tăng lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp nào cũng đưa ra rất nhiều những chương trình giảm giá sốc, khiến người dùng khó có thể cưỡng lại được khi có nhu cầu sử dụng hình thức di chuyển này.
Chú Mạnh Thái (45 tuổi, Bắc Kạn) cho biết: “Ngày trước chỉ có 1, 2 hãng xe trên thị trường, lượng khách có nhu cầu đặt xe lại đông, vì thế nên tôi có việc làm gần như liên tục cả ngày, cứ hết chuyến lại có chuyến mới, tâm trạng luôn rất vui bởi kiếm được nhiều tiền, dù vất vả”.
Nhưng hiện tại thì khó khăn hơn nhiều, anh em đều như thế hết, có khi cả buổi sáng không có nổi một chuyến xe. Giờ trưa, thời tiết thì nắng nóng nên tôi cũng kiếm tạm một chỗ vỉa hè có bóng mát tranh thủ nhắm mắt một chút”.
Mức lương từng được đánh giá khá cao trên thị trường lao động, khoảng 13-15 triệu đồng/tháng nếu đi làm đủ 8-10 tiếng/ngày của các tài xế công nghệ thời điểm hiện tại được đánh giá đã không còn khả thi. Một phần ở cạnh tranh, một phần ở người sử dụng dịch vụ, phần khác bởi các doanh nghiệp tăng phí sử dụng dịch vụ mà các tài xế phải hoàn trả lại với mỗi chuyến xe được đặt thông qua ứng dụng mà doanh nghiệp phát hành.