Theo đó, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, trong năm 2022, tỉnh Thanh Hoá đã thẩm định và phê duyệt 08 báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMT) cho các dự án khai thác khoáng sản. Công tác thẩm định báo cáo ĐMT các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh được thực hiện công khai, minh bạch theo hướng cải cách hành chính rút ngắn 30% thời gian xử lý hồ sơ theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục, hồ sơ.
Các báo cáo ĐMT sau khi được phê duyệt đã trở thành căn cứ pháp lý quan trọng để các chủ dự án có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện công tác bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế chung của cả tỉnh.
Bên cạnh đó việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường cũng được tỉnh Thanh Hoá triển khai thực hiện nghiêm túc. Năm 2022 toàn tỉnh có 317 dự án thực hiện việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền hơn 25 tỉ đồng và đầu năm 2023 có 99 dự án thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền hơn 6,6 tỉ đồng. Đồng thời năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá cũng đã ban hành Quyết định số 704/QĐ-STNMT ngày 7/10/2022 về việc thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Qua kiểm tra các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn cho thấy: Về môi trường cơ bản các đơn vị đã thực hiện việc giảm thiểu tác động môi trường theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt, như: Tưới nước trong quá trình vận chuyển, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, bố trí mương, rãnh thu gom, thoát nước, xử lý nước thải, quét dọn vật liệu rơi vãi trên tuyến đường, hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn nguy hại theo đúng quy định.
Tuy nhiên, do Luật bảo vệ môi trường 2020 mới có hiệu lực thi hành nên hầu hết các doanh nghiệp khai thác khoáng sản chưa cập nhật kịp thời, do đó còn gặp phải những vướng mắc nhất định trọng việc lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận môi trường.