Một báo cáo của công ty tái bảo hiểm Munich Re (Đức) cho biết, những cơn bão mạnh bất thường trong mùa bão nhiệt đới năm 2024 đã gây thiệt hại cao đáng kể cho toàn thế giới, trên mức trung bình của 10 năm.
Theo đó, trong năm nay tổng thiệt hại do các cơn bão ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương gây ra ước tính lên tới 133 tỷ USD.
Trong một thập kỷ qua, đây là con số thuộc nhóm lớn nhất và chỉ đứng sau mức thiệt hại ghi nhận trong mùa bão năm 2017.
Tính trung bình trong 10 năm qua, thiệt hại do mưa bão vào khoảng 89,2 tỷ USD/năm. Trong 30 năm là khoảng 62,6 tỷ USD/năm.
Nơi chịu nhiều thiệt hại nhất là khu vực Bắc Mỹ với tổng cộng 110 tỷ USD, cao hơn nhiều mức trung bình 10 năm là 67,6 tỷ USD.
Mùa bão 2024 tính đến thời điểm này đã là một mùa bão khác thường với nhiều kỷ lục, nhiều điều "chưa từng có tiền lệ". Một trong số đó là gần như cơn bão nào cũng như được "sạc nhanh", tăng cấp đột biến, sức tàn phá dữ dội.
Nhiệt độ nước đại dương cao kỷ lục đã tạo ra số lượng bão nhiều hơn và nhiều bão mạnh hơn ở khắp nơi trên thế giới trong mùa bão 2024.
Nhóm nghiên cứu khí hậu phi lợi nhuận Climate Central cho hay, phần lớn các cơn bão ở Đại Tây Dương trong mùa bão 2024 đều mạnh hơn trước đây (so sánh ở mức trung bình vào những thời điểm tương ứng qua các năm).
Khu vực Đại Tây Dương ghi nhận 11 cơn bão cường độ lớn, cao hơn mức trung bình chỉ là 6,4 cơn bão/năm.
Không chỉ thế, bão Beryl đi qua vùng biển Caribe hồi tháng Sáu và tháng Bảy là cơn bão cấp 5, cấp cao nhất trong thang bão của Mỹ, xảy ra sớm nhất trong lịch sử các mùa bão hằng năm.
Các cơn bão Helene và Milton xảy ra sau đó cũng đã ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam nước Mỹ trong khoảng 2 tuần.
Mùa bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương cũng kỳ lạ không kém với nhiều kỷ lục. Trong đó, siêu bão Yagi là cơn bão mạnh nhất ở Biển Đông trong 30 năm, gây thiệt hại nặng nề ở nhiều nước Đông Nam Á. Thượng Hải (Trung Quốc) phải chịu cơn bão mạnh nhất trong 70 năm (bão Bebinca, đổ bộ ngày 16/9). Rồi một điều rất hiếm đã xảy ra là có 4 cơn bão riêng rẽ hoạt động đồng thời ở Tây Thái Bình Dương vào đầu tháng này. Philippines đã hịu ảnh hưởng của 6 cơn bão chỉ trong một tháng, mà toàn là bão mạnh, trong đó có 5 cơn bão đổ bộ trực tiếp…
Munich Re cho hay, nhiệt độ mặt biển quá cao, do tác động của biến đối khí hậu, đã làm gia tăng cường độ các cơn bão và cả lượng mưa trút xuống.
Chẳng hạn trong cơn bão Milton, lượng mưa tạo ra được xem là lớn gấp đôi so với kịch bản giả định không có tác động của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, qua trình chuyển đổi chậm hơn dự kiến từ hiện tượng thời tiết El Nino sang La Nina cũng góp phần làm gia tăng tình trạng này.
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) của Mỹ cho biết, ít nhất 90% sự ấm lên của Trái Đất (do con người tác động) trong vài thập kỷ qua là xảy ra ở các đại dương. Bão được “sạc nhanh” chính nhờ nguồn năng lượng này, khiến chúng tăng cấp nhanh, trở nên mạnh hơn. Như vậy, có thể hiểu là con người đã góp phần làm cho bão mạnh lên.
Tuy nhiên, còn có những yếu tố khác khiến nhiệt độ đại dương thay đổi, nhưng các chuyên gia khí tượng nói có một điều chắc chắn: Khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng thì khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh hơn và có sức tàn phá lớn hơn cũng sẽ tăng, mà tăng rất nhiều.